A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhiều ông lớn công nghệ sắp vào Việt Nam

Có 13-14 dự án quy mô lớn trong các ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ tương lai... đang được thương thảo giữa các bộ ngành với tập đoàn FDI lớn, trong đó một số dự án được thực hiện trong năm 2024.

Nhà máy Samsung trong Khu công nghệ cao, TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

GS.TSKH Nguyễn Mại, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (Vafie), cho biết trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ.

Vì vậy ông cho rằng không phải quá lo ngại khi CEO nhiều tập đoàn công nghệ lớn như Nvidia, Apple đến VN tìm hiểu cơ hội đầu tư nhưng rất nhanh chóng sau đó lại công bố dự án đầu tư tại các nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Thái Lan.

Cạnh tranh gay gắt, VN vẫn là điểm đến

* Nhiều ý kiến thất vọng khi mấy "ông lớn" công nghệ như Apple, Microsoft đến VN nhưng lại công bố các dự án đầu tư tại một số nước trong khu vực. Đây có phải tín hiệu đáng buồn?

- VN và các nước Indonesia, Malaysia, Thái Lan đều mong muốn thu hút vốn FDI công nghệ, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn hàng đầu của thế giới, nhưng đầu tư vào đâu là quyền của họ.

Có một dự án FDI công nghệ cao thực sự muốn mở rộng đầu tư tại VN là dự án Intel tại TP.HCM, nhưng vì một lý do nào đó họ chưa mở rộng đầu tư mà dùng nguồn vốn này để sang Malaysia đầu tư.

Đây cũng là chuyện bình thường, nếu 10 tập đoàn công nghệ lớn đến mà 5 tập đoàn quyết định đầu tư vào VN là tốt rồi. Trường hợp 10 người đến mà chỉ 2 đầu tư vào VN thì mới đáng lo.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố thông tin cho biết đang có 13-14 dự án FDI đầu tư trong các lĩnh vực như công nghiệp bán dẫn, công nghệ tương lai, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, dự án hợp tác Mỹ - Hàn Quốc - Việt Nam về khai thác, chế biến đất hiếm đang được thương thảo, trong đó một số dự án được thực hiện trong năm 2024.

Vì thế, tôi không lo ngại gì khi nhà đầu tư đến VN tìm hiểu cơ hội đầu tư nhưng lại công bố dự án đầu tư ở một nước khác.

* Trước chúng ta nghĩ vốn dịch chuyển, VN rất hấp dẫn. Nay có cần thay đổi gì trong chính sách thu hút đầu tư để hấp dẫn hơn?

- Vấn đề lo ngại hiện nay là chúng ta muốn phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, phát triển các ngành công nghệ tương lai như thực tế ảo (VR), AI, IoT, big data... thì điều các tập đoàn công nghệ lớn họ quan tâm nhất không phải là ưu đãi đầu tư.

Các ưu đãi đầu tư về thuế, đất đai, hạ tầng chỉ là một phần. Họ muốn tới VN đầu tư, đã thỏa thuận với nhau rồi thì rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục cấp phép kinh doanh, giải phóng mặt bằng, triển khai dự án.

Thứ hai, mỗi tập đoàn lớn đều có những yêu cầu riêng, Samsung vào VN đầu tư đưa ra 18 yêu cầu. Doanh nghiệp nội muốn làm công nghiệp hỗ trợ cho Samsung cũng phải đáp ứng 18 yêu cầu về kinh tế, đảm bảo hợp đồng, thời gian, chất lượng, số lượng sản phẩm cung ứng, đảm bảo các yêu cầu về xã hội như tiền lương trả cho công nhân, không được áp bức lao động, và phải thực hiện trách nhiệm với cộng đồng dân cư. Tương tự, Intel khi đầu tư nhà máy sản xuất tại VN đưa ra 28 yêu cầu.

Tôi từng làm tổ trưởng đặc nhiệm để kéo Intel vào VN đầu tư và thấy rằng đàm phán của họ không khó lắm, nhưng nếu như mình không có cách làm để họ thấy rằng VN rất cần họ và vào VN họ cũng có lợi thì không thể kéo Intel vào TP.HCM đầu tư năm 2006 được.

Thứ ba là sở hữu trí tuệ. Với những tập đoàn công nghệ, dịch vụ hàng đầu, họ đều có thương quyền, bản quyền, đề cao sở hữu trí tuệ nên họ luôn tìm mọi cách để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Do đó, nếu chúng ta không có cải tiến cơ bản ở lĩnh vực quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, tin tức về hàng nhái hàng giả luôn tràn ngập trên các mặt báo, cơ quan truyền thông thì sẽ ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh.

VN đang có cơ hội lớn nhưng thách thức là không nhỏ, cạnh tranh rất gay gắt, nhưng nếu chúng ta khắc phục được ba vấn đề này thì yên tâm.

Các nước ưu đãi rất lớn

* Nhiều quan điểm cho rằng thu hút đầu tư FDI chất lượng cao, đặc biệt vốn FDI đầu tư vào công nghiệp bán dẫn, là cuộc cạnh tranh quốc gia chứ không chỉ của doanh nghiệp. Theo ông, đâu là lợi thế quốc gia của VN?

- Đó là ổn định chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô, ký kết 17 FTA thế hệ mới, vị thế quốc tế của VN, lợi thế về tài nguyên đất hiếm.

Với nhà đầu tư nước ngoài, nếu chúng ta không có lợi thế so với các nước thì chắc chắn không thu hút được.

Hiện có hai quốc gia có lợi thế cạnh tranh so với Việt Nam là Ấn Độ và Indonesia. Ấn Độ có đầy đủ các yếu tố như Bangalore được coi là Thung lũng Silicon tại Ấn Độ.

Nhiều CEO nổi tiếng đang làm cho các tập đoàn công nghệ lớn như Microsoft, Apple là người gốc Ấn. Nhiều chính trị gia của Mỹ, Anh cũng là người gốc Ấn nên rất thuận lợi về kết nối.

Chính phủ Ấn Độ cũng chủ trương ưu đãi bằng tiền từ 100 - 500 triệu USD cho các doanh nghiệp FDI đầu tư các dự án lớn. VN cũng sẽ ưu đãi đầu tư nhưng không thể có quy mô lớn như vậy được.

Nguồn nhân lực tại Ấn Độ cũng dồi dào hơn VN, năng suất lao động của họ cũng ngang VN nhưng giá nhân công của họ rẻ hơn.

Với Indonesia thì dân số Indonesia gấp khoảng ba lần VN. Tổng thống Indonesia lại tuyên bố phê duyệt dự án đầu tư lớn vào nước họ trong 10 ngày.

* Theo ông, VN nên làm gì để thu hút được các tập đoàn công nghệ lớn?

- Chúng ta phải đi bằng con đường riêng. Cần tận dụng tối đa lợi thế ổn định chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô, giá trị đồng tiền tương đối ổn định.

Không nước nào xung quanh có thành công toàn diện như VN. Ấn Độ phải đối diện với các vấn đề sắc tộc, mất công bằng xã hội, ô nhiễm. Indonesia lại phải đối mặt với các vấn đề tôn giáo cực đoan, khủng bố.

VN cũng trở thành đối tác chiến lược toàn diện của nhiều nước lớn. Điều này không dễ để có được.

VN có thể không cạnh tranh được với các nước bằng lợi thế ưu đãi tài chính và thuế, nhưng chúng ta cần biết đánh đổi lợi thế này để lấy lợi thế khác trong đàm phán với các nhà đầu tư FDI lớn.

Theo tuoitre.vn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết