A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quảng Ninh: Cải thiện môi trường kinh doanh – Góc nhìn doanh nghiệp

Việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cần nhìn nhận từ “gốc rễ” của vấn đề, tránh những thủ tục rườm rà, không cần thiết gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Với 6 năm liên tiếp (từ 2017 – 2022) giữ vị trí Quán quân PCI và 10 năm liên tiếp (từ năm 2013 - 2022) nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất, Quảng Ninh đang cho thấy sức hấp dẫn về môi trường đầu tư, kinh doanh. Môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi sẽ giúp các doanh nghiệp hoạt động ổn định và phát triển, thu hút nhiều nhà đầu tư mới gia nhập thị trường, tạo thêm việc làm, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và Quốc gia.

PCI cải thiện niềm tin của doanh nghiệp

Ông Dương Văn Thơm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh

Ông Dương Văn Thơm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Dương Văn Thơm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Uông Bí, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thông Quảng Ninh cho rằng, trong những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp nhận thấy rõ sự cải thiện đáng kể trong quản lý hành chính, sự hỗ trợ doanh nghiệp của bộ máy chính quyền thành phố (TP) Uông Bí. Sự ra đời của PCI và DDCI đã góp phần quan trọng trong thúc đẩy cải cách hành chính, tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi hơn. Điều này không chỉ giúp cải thiện hơn hiệu suất của các doanh nghiệp hiện tại mà còn có tác dụng thu hút các dự án đầu tư mới.

Cấp ủy, chính quyền TP Uông Bí luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, thường xuyên đối thoại trực tiếp với cộng đồng doanh nghiệp; mổ xẻ những khó khăn, vướng mắc để tìm ra giải pháp tháo gỡ kịp thời. Điều này khiến cộng đồng doanh nghiệp TP rất yên tâm, tự tin trong sản xuất, kinh doanh, lý giải việc TP Uông Bí luôn đạt điểm số cao trong Bộ chỉ số DDCI đánh giá hàng năm.

Ông Thơm nhấn mạnh, ngoài cải thiện môi trường đầu tư, sự phối hợp giữa chính quyền và doanh nghiệp cần được tăng cường hơn nữa để đảm bảo những cải cách không chỉ dừng lại ở chính sách và lý thuyết, mà phải mang lại hiệu quả trong thực tế. Cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng với sự hợp tác bền chặt giữa chính quyền và doanh nghiệp, TP Uông Bí sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn hơn nữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tháo gỡ khó khăn về vật liệu san lấp

Ông Ngô Hùng Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh

Ông Ngô Hùng Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh

Theo ông Ngô Hùng Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thị xã Quảng Yên, Giám đốc công ty CP Thủy sản Tân An, hiện nay, các công trình, dự án đầu tư công và đầu tư tư trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nói riêng, cả nước nói chung là rất lớn, tỷ lệ thuận với nhu cầu về đất làm vật liệu san lấp mặt bằng. Tuy nhiên, số lượng mỏ khai thác đất san lấp được cấp phép ít, công suất khai thác thấp, số lượng mỏ chưa đồng đều giữa các địa phương. Việc cấp phép mỏ khai thác đất san lấp mất nhiều thời gian, thủ tục pháp lý phức tạp, vì đất, đá, cát sỏi thuộc danh mục khoáng sản.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, đất san lấp là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, thẩm quyền cấp phép hoạt động của mỏ đất thuộc UBND cấp tỉnh, thủ tục cấp phép giống như các mỏ khoáng sản khác. Việc cấp phép hoạt động của mỏ đất phải đảm bảo nguyên tắc, điều kiện, thành phần hồ sơ và trình tự thủ tục theo quy định của Luật Khoáng sản, như: Đấu giá, thăm dò, phê duyệt trữ lượng, lập dự án đầu tư, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án cải tạo, phục hồi môi trường, xin quyết định chủ trương đầu tư...

Mặc dù việc cấp phép mỏ có rất nhiều thủ tục hành chính nhưng đất san lấp có giá trị thấp, thời hạn khai thác ngắn, chỉ khoảng 3-5 năm. Thêm nữa, khai thác mỏ đất lại thuộc danh mục dự án doanh nghiệp tự thỏa thuận bồi thường, không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất, nên việc giải phóng mặt bằng hết sức khó khăn. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp không mặn mà đầu tư vào mỏ đất.

Ông Dũng cho rằng, khi vật liệu san lấp được bỏ ra khỏi danh mục khoáng sản sẽ rất thuận tiện cho các dự án xây dựng. Đây được coi là giải pháp có thể tháo gỡ khó khăn hiện nay trong vấn đề đất san lấp.

Nếu các phương án tháo gỡ khó khăn được thông qua thì một loạt công trình, dự án có ý nghĩa tạo động lực, thúc đẩy kinh tế - xã hội tại các địa phương sẽ được cung cấp đầy đủ nguồn vật liệu san lấp, góp phần đảm bảo tiến độ thi công theo kế hoạch.

Hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu

Ông Lương Xuân Đào, Phó Giám đốc Công ty CP Thành Đạt, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh

Ông Lương Xuân Đào, Phó Giám đốc Công ty CP Thành Đạt, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh

Ông Lương Xuân Đào, Phó Giám đốc Công ty CP Thành Đạt (đầu tư và vận hành kinh doanh Cảng cạn ICD Thành Đạt) cho biết, việc khai thác tuyến cao tốc Hà Nội – Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái cùng các dự án trọng điểm khác như: Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh 1, Cầu sắt lối mở nối Móng Cái (Việt Nam) và Đông Hưng (Trung Quốc), Trung tâm giao dịch hàng hoá nông – lâm – thuỷ sản quốc tế… đã tạo điều kiện thuận lợi khơi thông hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa nói chung, nông sản nói riêng trên địa bàn thành phố Móng Cái.

Hiện nay, hoạt động thông quan các sản phẩm nông thủy sản được triển khai tại tất cả các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn thành phố Móng Cái và có triển vọng ngày càng gia tăng cả về chủng loại, sản phẩm hàng hóa cũng như số lượng doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.

Cùng với đó, các doanh nghiệp của 2 nước gần đây đã tập trung ở cửa khẩu Móng Cái - Đông Hưng để tìm bạn hàng vì đây là cửa khẩu quan trọng trong xuất khẩu nông sản, đặc biệt là mặt hàng thủy sản của cả Việt Nam và Trung Quốc.

Do đó, theo ông Đạt, để tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu nông sản, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, doanh nghiệp đề nghị chính quyền tỉnh Quảng Ninh, các Bộ, ngành Trung ương quan tâm, hỗ trợ xúc tiến thương mại, giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các địa phương Trung Quốc. Cùng với đó, cần hỗ trợ, thúc đẩy tiến độ duyệt hồ sơ cho các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc. Đặc biệt, các cơ quan cần cập nhật, cung cấp thông tin về nhu cầu, quy định của thị trường và các địa phương của Trung Quốc cho doanh nghiệp Việt Nam.

Để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, thủy sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt cơ hội, tích cực tham gia hội nhập; tập trung khai thác, tận dụng tối đa công nghệ số, công nghệ thông tin để tăng cường quảng bá sản phẩm; không ngừng nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu. Mặt khác, các doanh nghiệp cần chủ động, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp xuất khẩu trên nguyên tắc cùng nắm bắt, cùng khai thác thị trường.

>>> Quảng Ninh: Hạ tầng giao thông thúc đẩy thu hút đầu tư

>>> Quảng Ninh: Phát triển sản phẩm du lịch gắn với giá trị khác biệt

PCI và trách nhiệm với doanh nghiệp

Ông Nguyễn Khắc Thảo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Uông Bí, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Thảo

Ông Nguyễn Khắc Thảo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Uông Bí, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Thảo

Bảng xếp hạng PCI thể hiện năng lực điều hành kinh tế của chính quyền và các cơ quan chuyên môn, khả năng cải thiện chỉ số “gia nhập thị trường”, giảm thiểu “chi phí không chính thức” cũng như tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp trong phát triển sản xuất, kinh doanh. Để PCI tăng điểm, chính quyền và cơ quan chuyên môn phải phản ứng nhanh, có những giải pháp linh hoạt, kịp thời nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, sức chống chịu đối với sự khắc nghiệt của thương trường.

Ông Nguyễn Khắc Thảo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Uông Bí, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Thảo cho rằng, trong bối cảnh doanh nghiệp ngày càng chịu tác động rất lớn từ thị trường thế giới, lạm phát, thì doanh nghiệp hơn ai hết cần sự hỗ trợ thực chất về cơ chế, chính sách cũng như những giải pháp phù hợp, kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Đối với doanh nghiệp, sự đồng hành, thấu hiểu của chính quyền nhiều khi còn quan trọng hơn nhiều những giá trị vật chất hữu hình.

Cùng với đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần nhận thức rằng, chấm điểm PCI cũng là cách thức để tự bảo vệ mình và bảo vệ lợi ích chính đáng của mình. PCI là tiếng nói của doanh nghiệp, vậy nên tiếng nói đó phải thực chất từ chính những gì doanh nghiệp đã và đang trải qua. Lãnh đạo doanh nghiệp phải nâng cao nhận thức về vai trò của PCI, không nên giao phó trách nhiệm này cho những nhân viên cấp dưới. Việc chấm điểm PCI đảm bảo tính khách quan và thiết thực, bởi thứ hạng của PCI sẽ ảnh hưởng rất lớn tới môi trường kinh doanh của một địa phương và những nỗ lực của các cấp chính quyền.

Xây dựng văn hóa du lịch từ những điều nhỏ nhất

Ông Lê Trọng Thanh, Phó Giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh

Ông Lê Trọng Thanh, Phó Giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh

Để tạo nên sức hút của điểm đến du lịch, ngoài các yếu tố về phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, theo ông Lê Trọng Thanh, Phó Giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, đầu tư cơ sở hạ tầng thì nhân tố có tính chất quyết định chính là việc xây dựng môi trường văn hóa, văn minh du lịch từ những điều nhỏ nhất như vệ sinh, cảnh quan môi trường, ứng xử của người làm du lịch.

Du lịch Yên Tử đã trở thành “thương hiệu” của du lịch Quảng Ninh, không chỉ bởi ý nghĩa trong hành trình tìm về bản ngã với những giá trị chân, thiện, mỹ của rừng thiêng Yên Tử, mà hơn hết, đó là giá trị văn hóa du lịch đã được xây dựng từ nhiều năm nay.

Ông Thanh cho biết, để ngành du lịch phát triển, thì sự đầu tư về cơ sở vật chất, chú trọng gìn giữ văn hóa truyền thống là điều cần thiết. Tuy nhiên, để du lịch phát triển một cách toàn diện thì văn hóa ứng xử là một yếu tố vô cùng quan trọng. Bởi vậy, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, thành phố Uông Bí và người làm du lịch, người dân sinh sống quanh khu vực Yên Tử đã nỗ lực không ngừng, từng bước xây dựng môi trường du lịch thân thiện. Đặc biệt, thái độ ứng xử đúng mực, tôn trọng khách, thân thiện, niềm nở khi phục vụ khách; giữ gìn vệ sinh môi trường xanh - sạch - đẹp là yếu tố vô cùng cần thiết của khu du lịch. Tại Tại Yên Tử không có tình trạng phân biệt đối xử với khách du lịch, đeo bám, chèo kéo, làm phiền du khách, “chặt chém”... Đó cũng là yếu tố làm nên thương hiệu của Yên Tử nhiều năm qua.

“Ngành du lịch tỉnh Quảng Ninh cần thường xuyên tổ chức tuyên truyền, tập huấn nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử và nghiệp vụ cho những người làm du lịch tỉnh góp phần xây dựng và nâng cao văn hóa ứng xử, tạo nên môi trường du lịch thân thiện, văn hóa, lành mạnh, góp phần phát triển du lịch bền vững”, ông Thanh nhấn mạnh.

Chuyển đổi số trong quản lý du lịch

Ông Đặng Tuấn Hà, Giám đốc Công ty CP Cảng khách quốc tế Tuần Châu, tỉnh quảng Ninh

Ông Đặng Tuấn Hà, Giám đốc Công ty CP Cảng khách quốc tế Tuần Châu, tỉnh Quảng Ninh

Chuyển đổi số trong du lịch để phát triển du lịch số, du lịch thông minh là nội dung luôn được ngành du lịch Quảng Ninh nhấn mạnh và tập trung thực hiện những năm qua. Bởi đây không chỉ là xu thế mà còn là giải pháp mang tính chiến lược giúp bảo đảm sự phát triển mạnh mẽ, bền vững của du lịch.

Tuy nhiên, theo ông Ông Đặng Tuấn Hà, Giám đốc Công ty CP Cảng khách quốc tế Tuần Châu, có một thực tế là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch thời gian qua còn chưa đồng bộ nên chưa có sự liên kết dữ liệu để tạo thuận lợi trong khai thác, sử dụng.

Đối với công tác quản lý tàu du lịch, hiện nay Cảng Tuần Châu đang dùng hệ thống phần mềm khai báo tạm trú, tạm vắng liên kết với cơ quan Công an; phối hợp cùng với Cảng vụ đường thủy nội địa thực hiện theo phần mềm xuất nhập cảnh; phối hợp với cơ quan Thuế dùng phần mềm kê khai thuế, báo cáo thuế,…

Điều này dẫn đến một số bất cập trong công tác quản lý, vận hành. Do đó, Cảng Tuần Châu mong muốn cơ quan chức năng đang làm việc trực tiếp tại bến tàu nên dùng chung một phần mềm quản lý để tăng sự tương tác, liên kết giữa các cơ quan với nhau. Từ đó, công tác quản lý thủ tục hành chính với khách và tàu sẽ được rút ngắn thời gian, thuận tiện hơn cho doanh nghiệp vận chuyển khách.

Ngoài ra, ông Hà cho rằng, việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành du lịch cũng để các cấp chính quyền địa phương và doanh nghiệp có sự thống nhất hơn trong quản lý hoạt động du lịch, tăng tính liên kết trong toàn ngành, tối ưu hóa công tác quản lý con người và giảm chi phí cho nhà nước và doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp mong muốn tỉnh Quảng Ninh tiếp tục duy trì và phát huy những lợi thế sẵn có về du lịch và ưu thế về thứ hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) nhiều năm qua để thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến với tỉnh, đặc biệt trong ngành du lịch”, ông Hà cho hay.

Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của doanh nhân trẻ

Anh Nguyễn Văn Đạt, Giám đốc Công ty CP Đào tạo và Phát triển doanh nghiệp SIC, Chủ nhiệm Câu lạc bộ khởi nghiệp thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh

Anh Nguyễn Văn Đạt, Giám đốc Công ty CP Đào tạo và Phát triển doanh nghiệp SIC, Chủ nhiệm Câu lạc bộ khởi nghiệp thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh

Anh Nguyễn Văn Đạt, Giám đốc Công ty CP Đào tạo và Phát triển doanh nghiệp SIC, Chủ nhiệm Câu lạc bộ khởi nghiệp thị xã Quảng Yên: Trong xu thế hội nhập, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo luôn là động lực, nguồn lực quan trọng của nền kinh tế, giúp giải quyết các khó khăn, thách thức, hướng tới phát triển bền vững. Điều này càng có ý nghĩa sâu sắc trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, sâu rộng như hiện nay.

Tỉnh Quảng Ninh được đánh giá đang có thế hệ doanh nghiệp khởi nghiệp mới, trẻ trung, sôi nổi và quyết tâm trong việc hiện thực hóa những đam mê, niềm tin kinh doanh. Tuy nhiên, từ ý tưởng đến thực tế hành động là điều không hề dễ dàng và có thể dẫn tới thất bại. Do đó, để thành công, những doanh nhân, doanh nghiệp trẻ phải trang bị cho mình những kiến thức kinh doanh đầy đủ, hiểu biết về thị trường, mô hình quản trị kinh doanh, ý chí khởi nghiệp của bản thân.

Ngoài ra, theo anh Nguyễn Văn Đạt, khởi nghiệp thành công rất cần một môi trường chuyên nghiệp và lành mạnh. Rào cản điển hình là một số thủ tục hành chính rườm rà khiến doanh nghiệp khởi nghiệp mất nhiều thời gian, công sức, chi phí và nhân lực, từ đó làm mất đi cơ hội phát triển, sáng tạo. Trong khi đó, cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam còn non trẻ, khó tránh khỏi những điểm yếu về kỹ năng, kinh nghiệm, kiến thức về truyền thông, thị trường…

Do đó, Nhà nước, chính quyền địa phương phải tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bảo đảm quyền tự do sáng tạo; có thể chế chuyên biệt, đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân khởi nghiệp.

Nâng cao vị thế và vai trò của Câu lạc bộ đầu tư và khởi nghiệp

Anh Phạm Quang Tùng - Giám đốc Công ty TNHH Thanh Tùng Vân Đồn, Chủ tịch CLB Đầu tư và Khởi nghiệp tỉnh Quảng Ninh

Anh Phạm Quang Tùng - Giám đốc Công ty TNHH Thanh Tùng Vân Đồn, Chủ tịch CLB Đầu tư và Khởi nghiệp tỉnh Quảng Ninh

Anh Phạm Quang Tùng - Giám đốc Công ty TNHH Thanh Tùng Vân Đồn, Chủ tịch CLB Đầu tư và Khởi nghiệp tỉnh Quảng Ninh: Trong xu thế phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế hiện nay, việc khởi nghiệp đã và đang trở thành một xu hướng tất yếu, thu hút sự quan tâm của đông đảo các bạn trẻ. Đồng hành cùng doanh nhân trẻ, thanh niên khởi nghiệp, Câu lạc bộ Đầu tư và khởi nghiệp (CLB) Quảng Ninh ra đời sẽ tạo sân chơi bổ ích, giúp các bạn có cơ hội học hỏi, giao lưu và phát triển ý tưởng khởi nghiệp.

Mục tiêu của CLB là kết nối, thúc đẩy quan hệ liên kết, chia sẻ kinh nghiệm và tạo môi trường kinh doanh chuyên nghiệp cho các thành viên cùng phát triển sản xuất kinh doanh. Qua đó, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong cộng đồng.

Doanh nghiệp mong muốn các cấp chính quyền tỉnh Quảng Ninh luôn tạo điều kiện, quan tâm tới Câu lạc bộ Đầu tư và khởi nghiệp và những doanh nghiệp khởi nghiệp, kiến tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch. Bằng những cơ chế, chính sách cởi mở, doanh nghiệp sẽ yên tâm sản xuất, kinh doanh, từng bước xây dựng và phát triển thương hiệu của mình trên thị trường. Từ đó, vị thế, vai trò của CLB sẽ được nâng cao, hỗ trợ thiết thực hoơn cho doanh nghiệp trẻ.

Theo diendandoanhnghiep.vn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết