A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Eximbank làm rõ vụ nợ thẻ tín dụng 8,8 tỷ đồng

Thống đốc yêu cầu Eximbank khẩn trương xử lý vụ nợ thẻ tín dụng 8,8 tỷ đồng, bảo vệ lợi ích chính đáng của khách hàng.

Ngày 19/3, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Chủ tịch, Tổng giám đốc Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank) bố trí lãnh đạo trực tiếp trả lời cơ quan báo chí và dư luận xã hội về trách nhiệm, quyền hạn và phương hướng xử lý vụ việc nợ thẻ tín dụng từ 8,5 triệu thành 8,8 tỷ đồng của khách hàng Phạm Huy Anh.

"Eximbank khẩn trương xác minh vụ việc, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của khách hàng và ngân hàng", theo văn bản của Ngân hàng Nhà nước.

Sau khi có chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, Eximbank ngày 20/3 cho biết "đã gặp khách hàng Phạm Huy Anh tại Hà Nội, cùng trao đổi thẳng thắn trên tinh thần hợp tác, thấu hiểu và chia sẻ". Các bên cùng thống nhất phối hợp giải quyết vụ việc, đảm bảo quyền lợi hợp lý hợp tình cho cả hai bên trong thời gian sớm nhất.

Bên cạnh đó, nhà băng này cũng cho hay đã và đang khẩn trương rà soát, đánh giá và điều chỉnh lại chính sách, quy trình, hợp đồng, trong đó có phương pháp tính lãi, phí trong việc cho vay, cấp tín dụng qua thẻ. Đồng thời, nhà băng này nói cũng kiểm tra lại quy trình chăm sóc khách hàng để kịp thời hỗ trợ, đảm bảo lợi ích hài hòa cho cả ngân hàng và khách hàng.

Như VnExpress thông tin, cách tính lãi chồng lãi, phí của Eximbank với thẻ tín dụng từ dư nợ gốc 8,5 triệu, theo giới ngân hàng, là "rất bất thường".

Cách tính lãi chồng lãi với thẻ tín dụng nợ 8,8 tỷ đồng của Eximbank - 1

 

Theo cách tính lãi trên dư nợ gốc của các ngân hàng khác trên thị trường, khoản nợ thẻ 8,5 triệu đồng từ năm 2013 nếu tính tới 2023, chỉ từ vài chục triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng. Tuy nhiên, cách tính lãi mẹ đẻ lãi con của Eximbank khiến số nợ này lên tới con số "khủng" và bất thường 8,8 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, việc để cho một khoản nợ thẻ tín dụng kéo dài 11 năm cũng khiến giới ngân hàng đặt câu hỏi về quy trình của Eximbank. Ngoài việc gửi văn bản, thông thường các nhà băng sẽ nhắn tin cũng như có nhân sự để gọi điện nhắc nợ liên tục.

Theo vnexpress.net


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết