A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lợi ích thiết thực từ chuyển đổi số

Trong thời gian qua, các địa phương, sở, ngành trong tỉnh đã tích cực triển khai chuyển đổi số ở cả 3 trụ cột: Chính quyền số, xã hội số và kinh tế số. Nhờ đó đã mang lại những kết quả tích cực, giúp người dân trên địa bàn được trải nghiệm và hưởng thụ những tiện ích từ chuyển đổi số.

 

Người dân nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính liên thông tại phường Phương Đông, TP Uông Bí.

Để tạo thuận lợi nhất cho người dân, các phường, xã trên địa bàn TP Uông Bí đã thực hiện hiệu quả việc tiếp nhận giải quyết 25 dịch vụ công thiết yếu. Đặc biệt là 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông “Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho trẻ dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử - Xoá đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí”.

Người dân chỉ phải khai báo dữ liệu một lần về thủ tục đăng ký khai sinh hoặc khai tử trên Cổng dịch vụ công trực tuyến, cán bộ tư pháp sẽ có trách nhiệm thực hiện các thủ tục liên thông trên hệ thống của Bộ Tư pháp và chuyển tiếp hồ sơ sang cơ quan công an và BHXH. Ông Lương Văn Nhã, phường Phương Đông, TP Uông Bí cho biết: Chương trình chuyển đổi số liên thông mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân. Bà con không phải đi lại nhiều lần như trước kia nữa nên tiết kiệm thời gian và chi phí. 

Trong xây dựng chính quyền số, TP Uông Bí đã triển khai các TTHC ban hành mới đủ điều kiện, được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình và tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Thống kê có 80% hồ sơ được xử lý hoàn toàn trực tuyến, 100% hồ sơ được số hóa ngay từ khâu tiếp nhận đến trả kết quả cho người dân; 100% kết quả giải quyết TTHC đủ điều kiện được ký số và trả cho người dân trên môi trường số thông qua tài khoản công dân điện tử; 100% người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương sử dụng chữ ký số trong xử lý công việc.

Khách du lịch quét mã QR để tìm hiểu về Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử.

Ở các lĩnh vực khác, như du lịch, dịch vụ việc chuyển đổi số cũng được TP Uông Bí tập trung đẩy mạnh. Điển hình như tại Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, việc thực hiện số hóa các quy trình để đảm bảo thuận tiện nhất cho du khách và người dân tham quan chiêm bái đã được triển khai mạnh mẽ trong thời gian qua.

Còn với Móng Cái, thực hiện chương trình chuyển đổi số tỉnh, thành phố đã nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo hướng trọng tâm, trọng điểm và đồng bộ. Qua đó, tạo nhiều tiện ích thiết thực và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Trong giải quyết thủ tục hành chính, tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến đạt trên 94%, tỷ lệ hồ sơ được số hóa đầu vào và trả kết quả đạt trên 95%; công tác quảng quá sản phẩm OCOP trên các sàn điện tử được duy trì ổn định; hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, hóa đơn, biên lai điện tử được triển khai mở rộng trên toàn địa bàn.

TP Móng Cái đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 trở thành mô hình mẫu và đứng trong nhóm dẫn đầu về phát triển thành phố thông minh và chuyển đổi số toàn diện của tỉnh; hướng tới xây dựng TP Móng Cái là đô thị loại I thông minh, hiện đại vào năm 2030. Để hiện thực hóa các mục tiêu, thành phố đang nỗ lực tập trung đầu tư vào hạ tầng số, từng bước công cuộc chuyển đổi số toàn diện nhằm xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số... tạo động lực, nền tảng để tạo ra các giá trị tăng trưởng mới cho phát triển kinh tế - xã hội.

Không chỉ ở Uông Bí và Móng Cái; với nền móng được xây dựng vững chắc từ sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tỉnh Quảng Ninh đang có những bước đi phù hợp trong chuyển đổi số toàn diện. Đến nay 100% số cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến xã tham gia vào hệ thống chính quyền điện tử của tỉnh; hơn 98% số văn bản hành chính được gửi, nhận giữa các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh dưới dạng văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số; 100% thủ tục hành chính từ cấp tỉnh đến xã được chuẩn hóa theo quy trình ISO.

Trong năm 2024 này, Quảng Ninh tập trung xây dựng, khai thác và chia sẻ dữ liệu số, tạo nền tảng phát triển kinh tế số gắn với nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công và hiệu lực, hiệu quả trong quản lý điều hành. Phấn đấu người dân và doanh nghiệp không phải cung cấp lại các thông tin cho cơ quan nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Các cơ quan, tổ chức khai thác dữ liệu để ra quyết định, phục vụ sản xuất kinh doanh và xúc tiến đầu tư. Quảng Ninh cũng phấn đấu duy trì và nâng cao chỉ số chuyển đổi số của tỉnh nằm trong 5 nhóm địa phương dẫn đầu cả nước.

Theo quangninh.gov.vn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết