A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kinh tế 5 tháng: Tận dụng thời gian 'tăng tốc' để phục hồi tăng trưởng Kinh tế 5 tháng: Tận dụng thời gian 'tăng tốc' để phục hồi tăng trưởng

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định cần có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động... tranh thủ mọi nguồn lực, cơ hội, tận dụng thời gian để phục hồi kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tình hình kinh tế-xã hội. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Kinh tế 5 tháng có nhiều chuyển biến tích cực; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm... Tuy nhiên, do những khó khăn, thách thức chung của thế giới, sản xuất-kinh doanh, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về dòng tiền, thị trường và đơn hàng. Nhiều dự án đầu tư, dự án bất động sản bị đình trệ, chậm triển khai...

“Đây là thách thức lớn, cần được tập trung hỗ trợ, tháo gỡ để thúc đẩy các xu hướng chuyển biến tích cực của nền kinh tế, tạo điều kiện phấn đấu thực hiện các mục tiêu tăng trưởng và phát triển năm 2023,” Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Những điểm sáng tích cực

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong bối cảnh thế giới đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam tháng 5 tiếp tục chuyển biến khá tích cực, góp phần cải thiện kết quả chung của 5 tháng đầu năm và tạo đà cho những tháng tiếp theo.

Cụ thể, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng tăng 3,55% so với cùng kỳ năm ngoái, tiếp tục xu hướng giảm (4 tháng tăng 3,84%), dù giá điện đã được tăng 3% từ ngày 4/5/2023; lạm phát cơ bản tiếp tục chuyển biến tích cực.

Cùng với đó, thị trường tiền tệ cơ bản ổn định; lãi suất cho vay giảm; ổn định tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường; bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng. Thu ngân sách nhà nước 5 tháng đạt 48% dự toán; trong đó thu nội địa đạt 48,4% dự toán.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu tháng 5/2023 ước lần lượt tăng 5,3%, 4,3% và 6,4% so với tháng trước (tháng 4 lần lượt giảm 7,7%, 7,3% và 8,1%); 5 tháng ước xuất siêu 9,8 tỷ USD.

Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tháng 5/2023, đạt gần 2 tỷ USD, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước; tính chung 5 tháng đạt 10,86 tỷ USD, bằng 92,7% so với cùng kỳ năm trước (4 tháng chỉ bằng 82,1% so với cùng kỳ).

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, hoạt động sản xuất-kinh doanh tiếp tục có chuyển biến. Sản xuất nông nghiệp ổn định; sản lượng nuôi trồng thủy sản 5 tháng tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5/2023 ước tăng 2,2% so với tháng trước; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 2,9%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2023 ước tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng tăng 12,6%. Đây là tốc độ tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm từ năm 2015 trở lại đây.

Kinh te 5 thang: Tan dung thoi gian 'tang toc' de phuc hoi tang truong hinh anh 2

Công nhân làm giày da trong nhà máy Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giày Gia Định, thành phố Thủ Đức. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Đáng chú ý, các vấn đề tồn đọng, vướng mắc tiếp tục được tập trung tháo gỡ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản bước đầu chuyển biến tích cực, giải ngân vốn đầu tư công được đẩy nhanh. Giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 31/5 đạt trên 157.000 tỷ đồng, bằng 22,22% kế hoạch Thủ tướng giao, tương đương cùng kỳ năm 2022 (22,37%), nhưng số tuyệt đối cao hơn 41.000 tỷ đồng.

“Tất cả đã hỗ trợ tích cực, từng bước khơi thông dòng tiền cho doanh nghiệp, nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Phối hợp nhịp nhàng các giải pháp

Nhấn mạnh những điểm tích cực của nền kinh tế, tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, do những khó khăn, thách thức chung của thế giới, sản xuất-kinh doanh, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về dòng tiền, thị trường và đơn hàng; nhiều dự án đầu tư, dự án bất động sản bị đình trệ, chậm triển khai...

Đáng chú ý, niềm tin của doanh nghiệp đăng ký gia nhập thị trường đang ở mức thấp, tính chung 5 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động chỉ đạt 95.000, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái, còn số doanh nghiệp rút khỏi thị trường là 88.000, tăng đến 22,6%.

Một số ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính của tình trạng này một phần do nhu cầu tiêu dùng tại các nước phát triển và thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam tăng trưởng chậm lại.

Phần khác, là do thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp trong nước bị đóng băng, gây tác động dây chuyền, khiến tình trạng nợ gia tăng, sản xuất bị đình trệ, thu nhập của người dân giảm sút. Cùng với đó là tắc nghẽn về dòng vốn; thể chế không đầy đủ; thủ tục hành chính chưa thuận lợi gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trên quan điểm tập trung ưu tiên cho thúc đẩy tăng trưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 trực tuyến với các địa phương đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung cao độ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục hành chính, lãi suất, tìm kiếm, mở rộng sang các thị trường mới; đẩy mạnh 3 động lực tăng trưởng gồm xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng; tận dụng tốt các cơ hội và tạo không gian phát triển mới; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số...

“Các bộ, ngành, địa phương phải chấm dứt tình trạng đùn đẩy trách nhiệm; kiên trì tăng cường phân cấp, phân quyền; khuyến khích dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm,” Thủ tướng yêu cầu.

Kinh te 5 thang: Tan dung thoi gian 'tang toc' de phuc hoi tang truong hinh anh 3

 

Các container hàng hóa tại Tân Cảng Sài Gòn. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Theo các chuyên gia, liều lượng của các chính sách như đã nêu còn chưa đáp ứng được yêu cầu và tiến độ còn chậm trễ. Vì vậy, trong thời gian tới, Chính phủ thực thi các biện pháp tài khóa và tiền tệ mạnh mẽ hơn nhằm thúc đẩy các động lực tăng trưởng.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), dư địa của các chính sách tài khóa-tiền tệ, đặc biệt là chính sách tài khóa còn lớn. Vì vậy, đây là thời điểm thích hợp để thực hiện quốc sách khoan sức dân, không nên tăng thêm loại thuế, phí và thủ tục nào.

Trước những khó khăn của doanh nghiệp, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, ngành ngân hàng xác định tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng, các ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Sau rất nhiều động thái điều hành của Ngân hàng Nhà nước từ tháng 3 đến tháng 5, mặt bằng lãi suất cũng đã giảm, số liệu gần đây cho thấy lãi suất cho vay của các bảng vay mới bình quân hiện tại khoảng 9,07%, giảm 0,9% so với cuối năm ngoái. “Với số liệu này chúng tôi tin rằng, lãi suất đang giảm và sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới," Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho hay.

Về giải pháp cung ứng đủ điện cho đời sống dân sinh và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, trong thời gian tới với quy mô sản xuất điện được đảm bảo, các tổ máy không gặp sự cố và đủ nguyên liệu cho phát điện thì có thể khắc phục được tình trạng thiếu điện.

Bàn về các giải pháp nhằm thúc đẩy cho tăng trưởng, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã đề xuất Quốc hội và Chính phủ cần sớm có các giải pháp tổng thể để vực dậy nền kinh tế.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) cho rằng, kinh tế-xã hội 5 tháng đầu năm có biểu hiện đan xen vừa tích cực, vừa tiêu cực. Do đó, Quốc hội và Chính phủ cần có nhìn nhận bức tranh kinh tế khách quan và bình tĩnh để kiểm soát được tình hình, bắt bệnh đúng nguyên nhân. Khi đó, có phương thuốc điều trị để sức khỏe của nền kinh tế hồi phục nhanh chóng và có thể bứt phá những quý tiếp theo của năm nay.

Hiện nay, những khó khăn, thách thức lớn của thế giới, khu vực đã tiếp tục ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp, hoạt động sản xuất-kinh doanh, xuất khẩu, thu hút đầu tư... trong nước. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đây là vấn đề chung của các quốc gia, các nền kinh tế đang phải đối mặt, không thể có chuyển biến rõ rệt ngay trong một sớm, một chiều, trong khi áp lực điều hành kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng trong nước tăng cao.

“Do đó, cần có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ hơn; phát huy kết quả đã đạt được, tranh thủ mọi nguồn lực, cơ hội, tận dụng thời gian để phục hồi kinh tế...” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định./.

Theo vcci.com.vn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết