A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

"Thương cảng Vân Đồn là hệ thống bến cảng chứ không phải là một cảng hay cụm cảng riêng biệt"

Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nghiên cứu và xin ý kiến các nhà khoa học của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia và thống nhất với UBND tỉnh Quảng Ninh về việc lập hồ sơ Quần thể di tích Thương cảng Vân Đồn trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Để tìm hiểu rõ hơn, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia về việc lập bộ hồ sơ này. 

Thưa PGS.TS Đặng Văn Bài! Trong nhiều năm công tác giữ vị trí Cục trưởng Cục Di sản văn hoá, ông đã có nhiều sự quan tâm đến các di sản văn hoá của Quảng Ninh. Qua nghiên cứu của ông, so với hệ thống các thương cảng ở Việt Nam thì thương cảng cổ Vân Đồn có gì khác biệt?

PGS. TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia.

PGS. TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia.

+ Thương cảng cổ Vân Đồn có nét đặc biệt là thương cảng biển đảo và có một hệ thống cảng, còn các thương cảng cổ khác của Việt Nam như phố Hiến, Hội An là thương cảng sông và chỉ có một cảng. Đây chính là điểm khác biệt độc đáo làm nên giá trị của Thương cảng Vân Đồn. Do đó, bàn về Thương cảng Vân Đồn là phải tiếp cận nó với tư cách là một hệ thống các cảng cả nội địa và quốc tế trải dài ven bờ, cửa các con sông ở Quảng Yên, Hoành Bồ cũ, Vạn Ninh, Móng Cái cộng với các làng nghề ven biển nữa. Vậy nên, có thể khẳng định Thương cảng Vân Đồn là hệ thống bến cảng chứ không phải là một cảng hay cụm cảng riêng biệt. Đây là đặc trưng cơ bản làm nên sự khác biệt của Vân Đồn so với những cảng khác.

Mặt khác, chúng ta còn phải đặt Vân Đồn vào trong thế đối sánh với các thương cảng cổ của Việt Nam khác như phố Hiến, Hội An để thấy rõ vai trò trọng yếu của nó như một trung tâm kinh tế, chính trị quan trọng của quốc gia Đại Việt. Vì có vị trí địa chính trị, địa chiến lược quan trọng vào bậc nhất của Đại Việt nên Vân Đồn đã trở thành thương cảng quốc tế có khả năng kết nối đường vận tải biển quốc tế giữa Bắc Á với Nam Á, Ấn Độ và Địa Trung Hải. Vai trò của Vân Đồn với tư cách là một điểm đến, là trung tâm luân chuyển hàng hóa quan trọng của hệ thống giao thương Đông Nam Á đã được ghi chép trong các nguồn tư liệu lịch sử của Việt Nam và quốc tế. Ở đó, quần đảo Vân Hải là nơi còn lưu lại nhiều dấu tích của thương cảng cổ khi xưa với hệ thống các bến thuyền cổ tập trung chủ yếu ở khu vực Cống Đông, Cống Tây (xã Thắng Lợi), Cái Làng, Cống Cái, Con Quy (xã Quan Lạn), trong đó khu vực Cái Làng được xác định là trung tâm của thương cảng.

Về mặt quốc phòng thì Thương cảng Vân Đồn có vai trò ra sao, thưa ông?

+ Vân Đồn cũng đóng vai trò là một quân cảng quan trọng có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia vùng biển Đông Bắc của đất nước. Minh chứng xác thực nhất chính là chiến công hiển hách của quân dân Đại Việt trong 3 cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông ở thế kỷ 13. Thương cảng Vân Đồn có thể coi là một cột mốc chủ quyền trên biển của đất nước ta.

Rất nhiều mảnh gốm vỡ được tìm thấy ở xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn.

Dấu tích bến thuyền cổ của Thương cảng Vân Đồn với nhiều mảnh gốm vỡ được tìm thấy ở xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn.

 - Nếu tiếp cận Vân Đồn từ góc nhìn văn hóa, ông có những đánh giá như thế nào?

+ Thương cảng Vân Đồn độc đáo ở chỗ là đã có cư dân tồn tại từ rất lâu đời, từ Văn hóa Hạ Long. Văn hóa Hạ Long có từ mấy nghìn năm trước Công nguyên, có sự giao lưu với cả vùng Đông Nam Á. Chính vì thế nơi đây mới được lựa chọn để xây dựng thương cảng. Nếu mà nhìn trong bối cảnh như vậy thì Thương cảng Vân Đồn càng có giá trị.

Thương cảng Vân Đồn trong bối cảnh của không gian văn hóa Vịnh Bái Tử Long là một vịnh biển với hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ. Khu vực biển đảo này là không gian sinh tồn của các lớp cư dân biển đảo qua nhiều đời. Họ đã biết khai phá thích ứng với môi trường biển đảo, giao lưu với văn hóa biển đảo của các quốc gia khác trong khu vực và quốc tế để hình thành một thương cảng sầm uất. Văn hóa biển đảo là kết quả của quá trình tương tác thích ứng và khai thác sản vật của biển cả phục vụ nhu cầu phát triển của cư dân địa phương.

Thường thì văn hóa biển đảo được quy lại ở 3 lĩnh vực: Văn hóa khai thác biển đảo, văn hóa thích ứng với điều kiện tự nhiên biển đảo và văn hóa bảo vệ chủ quyền quốc gia trong không gian văn hóa biển đảo. Từ góc nhìn văn hóa, ta thấy Thương cảng Vân Đồn là một trong những thành tựu văn hóa biển đảo tiêu biểu nhất của Việt Nam. Nó khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của cha ông chúng ta trong tầm nhìn hướng biển và khát vọng vươn ra biển cả và đại dương. Một thương cảng sầm uất phồn thịnh như Vân Đồn chắc chắn phải có hai bộ phận hợp thành là phần cảng cho tàu thuyền cập bến neo đậu và phần đô thị dù là ở hình thức sơ khai, là nơi cư trú của các tầng lớp thương nhân buôn bán trao đổi hàng hóa.

Một thực thể văn hóa phát triển như thương cảng Vân Đồn tất yếu sẽ kéo theo sự hình thành sự tụ cư, không gian sinh tồn ổn định cho các cộng đồng cư dân địa phương chủ nhân thực thụ của nền văn hóa biển đảo ở vùng Đông Bắc của Tổ quốc mà dư ảnh của nó là các khu dân cư, các làng xóm của đồng bào các dân tộc anh em hiện đang sinh sống trên địa bàn huyện đảo Vân Đồn.

Khu vực đảo Cống Tây, xã Thắng Lợi.

Khu vực đảo Cống Tây, xã Thắng Lợi.

- Nghĩa là, không gian văn hóa biển đó còn gắn liền với các nhân vật lịch sử kiệt xuất của dân tộc? 

+ Không gian văn hóa Vịnh Bái Tử Long và Thương cảng nói riêng với các dấu tích khảo cổ học và nguồn tư liệu lịch sử hiện còn cung cấp cho chúng ta nguồn thông tin bổ ích về vai trò của chính quyền phong kiến các cấp trong việc ban ra các chủ trương chính sách về tư duy hướng biển và truyền thống khai thác biển ở vùng Đông Bắc. Không gian văn hóa biển đảo Vân Đồn gắn liền với tên tuổi và hoạt động của các danh nhân kiệt xuất như: Lý Anh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Trần Khánh Dư, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông… Do đó, Thương cảng Vân Đồn phải được thừa nhận là di tích lưu niệm danh nhân.

- Không gian văn hóa ấy sẽ có ý nghĩa thế nào trong việc phát triển kinh tế - xã hội hôm nay, thưa ông?

+ Không gian văn hóa biển đảo Vịnh Bái Tử Long nói chung và Thương cảng Vân Đồn nói riêng cần nhất thiết phải được tiếp cận từ một góc nhìn của một trung tâm du lịch sinh thái biển đảo với hàng không quốc tế với các loại hình dịch vụ cao cấp dựa trên các thế mạnh sẵn có về đặc điểm tự nhiên, thế mạnh sinh thái biển đảo, đặc tính nhân văn (tri thức dân gian bản địa về đa dạng văn hóa) và quần thể các cụm di tích lịch sử văn hóa.

- Để Thương cảng Vân Đồn được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, theo ông, chúng ta cần phải làm những gì?

+ Theo tôi, về mặt tư liệu lịch sử và chiếu theo quy định của pháp luật, khu di tích quốc gia Thương cảng Vân Đồn hoàn toàn xứng đáng được nâng cấp thành khu di tích quốc gia đặc biệt. Tuy nhiên, điều kiện có tính quyết định phải là chứng minh biện giải các mặt giá trị tiêu biểu của khu Thương cảng Vân Đồn qua các dấu tích vật chất. Tỉnh nên triển khai xây dựng chương trình nghiên cứu khảo cổ nhằm xác định cụ thể dấu tích vật chất xác thực các yếu tố cấu thành giá trị di sản, xác định quy mô các điểm di tích cần được bảo tồn theo hướng một chuỗi di tích liên hoàn và xác định được khu vực bảo vệ 1 và khu vực bảo vệ 2 phục vụ yêu cầu bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch. Thứ ba, phải tiến hành sưu tập các nguồn tư liệu lịch sử, ảnh chụp, bản vẽ kiến trúc có liên quan và ý kiến nhận xét của các nhà khoa học có uy tín về Thương cảng Vân Đồn như là một hợp phần trong bộ hồ sơ di tích. Thứ tư là phải nghiên cứu các di sản văn hóa phi vật thể phong phú và đa dạng của cộng đồng dân cư hiện đang cư trú ở huyện đảo Vân Đồn như là các cộng đồng chủ thể văn hóa. Thứ năm, ngoài hệ thống các điểm di tích đơn lẻ cũng cần nghiên cứu bảo tồn một số làng bản của cư dân huyện đảo Vân Đồn như là những không gian văn hóa truyền thống, nơi lưu giữ những ký ức về các khu thị dân xưa, một hợp phần quan trọng của Thương cảng Vân Đồn.

Đoàn công tác của Viện Khảo cổ học nghiên cứu Thương cảng Vân Đồn.

Đoàn công tác của Viện Khảo cổ học nghiên cứu Thương cảng Vân Đồn.

Về mặt lý thuyết không ai có thể phủ nhận giá trị nổi bật của Thương cảng Vân Đồn với tư cách là một di tích quốc gia đặc biệt. Nhưng phải nói thẳng là dấu tích hiện còn ở huyện đảo Vân Đồn là chưa đủ thuyết phục, mặc dù trong lòng đất vẫn còn lưu giữ khối lượng di tích đa dạng phong phú dưới dạng phế tích kiến trúc mang tính chất khảo cổ học. Và ngay trong các dấu tích còn lưu giữ trong lòng đất nếu không được phát hiện kịp thời và có giải pháp bảo tồn thì dưới áp lực phát triển của khu kinh tế Vân Đồn e rằng dần dần sẽ bị xóa sổ và để lại trong lòng chúng ta sự tiếc nuối khôn nguôi.

- Cám ơn PGS.TS về cuộc trò chuyện này!

Phạm Học (Thực hiện)

Quangninh.gov.vn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết