Tuyến phà đặc biệt nối hai miền di sản
Dịp cuối tuần, tôi rủ một vài người bạn của mình từ Hà Nội về cùng trải nghiệm tuyến phà du lịch độc đáo của Quảng Ninh và cũng là tuyến phà duy nhất còn hoạt động đến nay của tỉnh. Đi giữa lòng di sản trên chuyến phà Tuần Châu - Cát Bà, nối hai miền di sản Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và Khu dự trữ sinh quyển đảo Cát Bà (Hải Phòng), chúng tôi không giấu được sự háo hức, thích thú và cảm giác thật thư thái, yên bình.
Trải nghiệm du lịch bằng phà
Tuyến phà Tuần Châu - Cát Bà được đưa vào hoạt động từ năm 2009 do Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh (Tập đoàn Tuần Châu) đầu tư xây dựng, đến nay đã 15 năm. Đây là một tuyến thủy quan trọng và nhanh nhất nối liền hai thành phố biển Hạ Long và Hải Phòng và cũng là tuyến phà biển đặc biệt nối hai miền di sản thế giới.
Tuyến phà có chiều dài 7,8km gồm hành trình đi và đến hai bến Tuần Châu (TP Hạ Long, Quảng Ninh) và bến Gia Luận (huyện Cát Hải, Hải Phòng). Phà có trọng tải 120 tấn, sức chứa 200 hành khách, chuyên chở cùng lúc 25 ô tô các loại từ 50 chỗ trở xuống, công suất 45 phút/lượt chạy và cập bến đồng thời được ít nhất 2 phà/lượt.
Do vậy, giao thông tại hai đầu bến luôn đảm bảo được tính thông suốt khiến du khách không phải chờ đợi lâu, đặc biệt là vào những ngày cao điểm. Mỗi ngày phà hoạt động từ 10-12 chuyến, đưa đón hàng trăm lượt du khách qua lại. Đặc biệt vào mùa hè, lượng khách có thể lên tới hơn 1.000 người mỗi ngày.
Với tốc độ không quá nhanh (45 phút/chuyến), tuyến phà biển Tuần Châu - Cát Bà luôn đem lại cảm giác êm ái, thư thái cho du khách trên phà. Thay vì ngồi trong khoang kín bị hạn chế tầm nhìn trên những chiếc tàu, trên tuyến hành trình này, chúng tôi được mở rộng tầm nhìn, chiêm ngưỡng bức tranh thiên nhiên kỳ vỹ của Vịnh Hạ Long với hàng nghìn hòn đảo đá vôi lớn nhỏ đủ hình thù độc đáo giữa mặt nước yên bình màu xanh ngọc, thả lỏng cơ thể để đón những làn gió mát lành từ biển, ngắm toàn cảnh cầu Bãi Cháy - cây cầu dây văng một nhịp dài nhất Đông Nam Á, ngắm làng chài Ba Hang, hòn Trống Mái, khu vực bè nuôi thủy hải sản Gia Luận...
Phà Tuần Châu - Cát Bà chạy trong vùng kín gió của Vịnh Hạ Long, nơi được bao quanh bởi hàng ngàn dãy núi đá vôi trùng điệp nên ít chịu ảnh hưởng bởi sóng, gió và các yếu tố thời tiết khác. Nếu như vào các ngày gió cấp 5, cấp 6, khi tuyến phà khác thuộc địa phận Hải Phòng hoặc các địa bàn lân cận tỉnh Quảng Ninh phải ngừng hoạt động thì phà Tuần Châu - Cát Bà vẫn hoạt động bình thường. Thêm vào đó, trên phà có trang bị đầy đủ các trang thiết bị cứu sinh, cứu hỏa, y tế và thông tin liên lạc với đất liền theo đúng tiêu chuẩn phà du lịch.
Chậm rãi tiến vào lòng di sản thiên nhiên thế giới rồi lại nhẹ nhàng cập bến khu dự trữ sinh quyển thế giới, tuyến phà đưa du khách đi từ những cung bậc này đến những cung bậc khác của cảm xúc. Bạn tôi thì nói rằng dù đã được đi phà một vài lần hồi nhỏ nhưng đây là lần đầu tiên bạn được du lịch bằng phà. Cảm giác rất tuyệt vời, như được trở về tuổi thơ và thấy Hạ Long quá đẹp.
Thời gian trên phà là khởi đầu cho một hành trình trải nghiệm thú vị phía trước và cũng là những khoảnh khắc ý nghĩa để mỗi chúng ta có thể chậm lại, cảm nhận sâu hơn về vẻ đẹp của quê hương, đất nước mình.
Những người giữ nhịp phà
Thời gian đợi phà và gần 1 tiếng di chuyển trên phà cũng đủ để chúng tôi được quan sát, tìm hiểu kỹ hơn công việc của những người lái phà. Trên bến thông thường sẽ có bến trưởng, bến phó và đội ngũ quản lý việc bán vé, soát vé, hướng dẫn cho người và xe lên xuống phà lần lượt theo thứ tự, phối hợp giữa 2 đầu bến để quản lý phương tiện hành khách, đảm bảo an toàn. Còn kíp làm việc trên phà thường gồm 6 người: Thuyền trưởng, máy trưởng và các thủy thủ.
Trước mỗi chuyến phà, Ban quản lý kết hợp với thuyền trưởng, máy trưởng và thủy thủ đoàn kiểm tra kỹ càng các thiết bị an toàn như hệ thống phao cứu sinh, áo phao, hệ thống van, các bình cứu hỏa trước khi phà vận hành để đảm bảo an toàn và kịp thời ứng phó nếu chẳng may xảy ra sự cố. Thông thường, mỗi phương tiện phà có khoảng 120 phao cứu sinh cùng gần 300 áo phao cho người lớn và trẻ em.
Anh Nguyễn Văn Thái, Phó Giám đốc Cảng tàu Tuần Châu cho biết: 7h30 là giờ hoạt động phà thì 6h30 anh em đã phải kiểm tra phương tiện lái, công tắc lái xem hoạt động chuẩn không, các phao nổi cứu sinh đã đầy đủ chưa. Hiện nay, các phà đều là phà tự hành, vì vậy việc kiểm tra kỹ càng thiết bị đặc biệt quan trọng để đảm bảo cho du khách có một hải trình an toàn.
Trò chuyện với chúng tôi, thuyền trưởng Vũ Văn Công chia sẻ: Thuyền trưởng là người chịu trách nhiệm lái phà và phải hiểu rất rõ về qui luật của con nước, các luồng lạch để điều phà cập bến an toàn. Trong quá trình phà di chuyển, máy trưởng sẽ phải phụ trách việc kiểm tra các thông số kỹ thuật và theo dõi hệ thống máy móc vận hành, bổ sung cấp nước kịp thời cho máy để hoạt động liền mạch, an toàn. Máy trưởng và thuyền trưởng cũng thường xuyên kết nối bằng bộ đàm để kiểm soát các thông số kỹ thuật hiển thị trên đồng hồ. Khi phà gần cập bến, thuyền trưởng sẽ dùng bộ đàm liên lạc với bến trưởng để nắm tình hình trên bến và chuẩn bị cho phà cập bến. Còn các thủy thủ trên phà sẽ phối hợp hướng dẫn khách.
Chuyến phà cuối trong ngày rời bến Tuần Châu lúc 15h và cập bến Bến phà Gia Luận, Hải Phòng lúc 16h. Sau đó phà sẽ quay đầu chở khách từ bến Gia Luận sang Tuần Châu, kết thúc lúc 17h. Những ngày đông khách, có thể số chuyến sẽ được tăng cường thêm để đảm bảo đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, du khách.
Công việc của những người lái phà vì vậy cũng không có ngày nghỉ, những ngày lễ tết thậm chí còn phải làm tăng cường do lượng khách những ngày này tăng gấp đôi, thậm chí đến 9-10 giờ tối mới kết thúc công việc.
Những chuyến phà nối hai miền di sản đã tồn tại 15 năm và những người lái phà, bên cạnh nhiệm vụ đưa đón khách an toàn, họ cũng góp một phần không nhỏ trong việc quảng bá vẻ đẹp của di sản Vịnh Hạ Long - Cát Bà đến với du khách, đóng góp sức mình bé nhỏ để giữ cho những nhịp phà luôn chảy trôi hiền hòa giữa trời nước Hạ Long
Theo baoquangninh.vn