A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thị trường ví điện tử đối mặt nhiều “nỗi sợ”

Việc một số tên tuổi rời bỏ thị trường ví điện tử sẽ không ảnh hưởng đến cục diện thị trường. Nhưng để có đất sống, họ phải thay đổi chiến thuật.

 
Các ví điện tử đang trong cuộc cạnh tranh khốc liệt để giành thị phần. Trong ảnh: Ví điện tử MoMo với trải nghiệm thanh toán không dùng tiền mặt

Sân chơi của “ông lớn”

Từ ngày 1/7, Công ty cổ phần Công nghệ và Dịch vụ Moca sẽ dừng cung cấp dịch vụ ví điện tử trên ứng dụng Moca và trên ứng dụng Grab. Đây là động thái trong chiến lược tái cấu trúc danh mục dịch vụ và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp này.

Moca vẫn tiếp tục là đối tác chiến lược của Grab cho các hoạt động thanh toán trực tuyến, cung cấp một số dịch vụ trung gian thanh toán cho toàn bộ hệ sinh thái Grab tại Việt Nam. Người dùng Grab tiếp tục trải nghiệm thanh toán không tiền mặt với các phương thức như thẻ ngân hàng, tài khoản ZaloPay, tài khoản MoMo.

Theo FiinGroup, dù thị trường đông đúc với 50 công ty dịch vụ trung gian thanh toán, nhưng lượng người dùng ví điện tử tại Việt Nam chỉ tập trung ở vài nhà cung cấp lớn như Momo, Shopee Pay, VNPay.

Thực tế, động thái dừng cuộc chơi trên thị trường ví điện tử của Moca không gây xáo trộn gì tới các tên tuổi còn lại. Song, việc Moca dừng hoạt động cho thấy sự khốc liệt của cuộc đua giành thị phần ví điện tử tại Việt Nam.

“Thời điểm này, các ví nhỏ lẻ vẫn làm theo hạng mục được cấp phép. Đợt này khó khăn quá. Thị trường ví điện tử hiện có mấy tên tuổi thi đấu”, đại diện Appota Group - công ty mẹ của AppotaPay chia sẻ.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối năm 2023, số lượng ví điện tử đang hoạt động là 36,23 triệu ví (chiếm 63,23% trong tổng số gần 57,31 triệu ví điện tử đã được kích hoạt), với tổng số tiền trên các ví này là khoảng 2.960 tỷ đồng.

FiinGroup dự báo, đến cuối năm 2024 sẽ có khoảng 50 triệu ví điện tử hoạt động tại Việt Nam, tăng gần 40% so với năm 2023.

Được thành lập vào tháng 9/2015, AppotaPay là đơn vị thứ 39 không phải ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Đơn vị này chủ yếu phục vụ cho hệ sinh thái hơn 55 triệu người dùng trong lĩnh vực giải trí số của Appota Group, với  hơn 1.000 điểm bán hàng trực tiếp (POS) và 10.000 hệ thống POS gián  tiếp.

Dù mới gia nhập thị trường, nhưng với kinh nghiệm về thị trường mobile cũng như sự hỗ trợ từ hệ sinh thái công ty mẹ Appota Group, AppotaPay kỳ vọng sẽ là một trong những ví điện tử có thị phần lớn tại Việt Nam.

Lượng khách hàng lớn nhất đến từ mảng game, rồi đến các app nội dung, giải pháp quản lý doanh nghiệp. Như vậy, so với các ứng dụng khác phải mất rất nhiều thời gian để lôi kéo người dùng, thì đây là một lợi thế rất lớn của AppotaPay.

Appota tận dụng khoảng thời gian đại dịch Covid-19 để tăng cường cung cấp các nội dung cho người dùng như game mới, nội dung livestreaming từ các KOLs của Adsota FB Gaming Creator. Sự tăng trưởng của các dịch vụ trong hệ sinh thái Appota như game, livestream, quảng cáo, cũng kéo theo sự phát triển dịch vụ thanh toán của AppotaPay.

Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì đà phát triển, tên tuổi này sẽ tập trung hỗ trợ các khách hàng tiếp cận giải pháp thanh toán thật nhanh chóng với chi phí tối ưu tới tập người dùng sẵn có, thông qua các chính sách đa dạng, phù hợp với từng khách hàng.

Theo ông Lù Duy Nguyên - chuyên gia tài chính từng làm việc mảng ví điện tử từ khi Ngân hàng Nhà nước cấp phép thử nghiệm (năm 2008) tới nay, có 5 nguyên nhân khiến ví điện tử bị cạnh tranh ngày càng khốc liệt. 

Thứ nhất, xử lý thanh toán ví so với ngân hàng thu hẹp nhanh chóng, do ngân hàng đi từ lõi thanh toán lên và xây dựng ứng dụng (app) nhanh, tốc độ phát triển người dùng (user) cũng rất cao. 

Thứ hai, VietQR ra đời và phổ biến, dẫn tới QR ví giảm tác dụng. Ví phải tự chuyển sang VietQR (như Momo và ZaloPay đã làm).

Thứ ba, hệ sinh thái giải pháp hỗ trợ xử lý thanh toán mà không cần giấy phép ví, gắn trực tiếp vào ngân hàng đang phát triển mạnh như ATOM, Casso, SePay, HeNo, GenZi… 

Thứ tư, quy định hiện nay thêm việc siết các bảo mật thì trải nghiệm trên ví lại càng phụ thuộc ngân hàng. 

Thứ năm, lợi nhuận ngân hàng quá lớn so với ví (hàng ngàn tỷ đồng/năm), vì thế, mức độ đầu tư từ ngân hàng cũng nhiều hơn đáng kể.

Ngân hàng “gặm nhấm” ví điện tử?

Trước những khó khăn kể trên, các ví điện tử đang phải đối mặt với nhiều “nỗi sợ”. Mỗi ví phải lựa chọn theo những hướng đi khác nhau. Đầu tiên, Payoo với giải pháp “tất cả trong một”, tạo sự khác biệt, tích hợp hệ sinh thái merchant, stores, cùng hệ thống thanh toán hóa đơn (PayBill), mã thanh toán (PayCode) đang ngày càng bão hòa, nên sẽ cần tích hợp thêm các dịch vụ khác. Payoo làm theo kiểu “ít mà chất”, bền vững, bù lại thì phát triển ở mức vừa phải. 

Trong khi đó, Momo là số một về cơ sở người dùng, phát triển hướng siêu ứng dụng với rất nhiều dịch vụ, đủ ý tưởng và có những dịch vụ “đỉnh” thị trường như vé xem phim…

Ông Lù Duy Nguyên cho rằng, Momo cần duy trì sáng tạo và thêm những dịch vụ khác biệt, nhưng sẽ bị ngân hàng “gặm nhấm” từ từ.

Đứng sau Momo có ZaloPay, với các hệ sinh thái xung quanh từ Zalo, chú trọng trải nghiệm, dịch vụ tương tự Momo. ShopeePay thì như là một tính năng cho Shopee (tương tự Moca tích hợp trên Grab). Còn nói chung, các ví khác dựa trên kết nối với ngân hàng, doanh số không đáng kể.

Giới chuyên gia phân tích, tại các nước, ngân hàng ít xây dựng thành siêu ứng dụng, nên ví mới có đất sống. Còn ở Việt Nam thì khác, ai cũng dùng mobile banking, các ngân hàng đợi các ví tạo lập thị trường, có đủ quy mô giá trị thì bắt đầu quyết định làm. Điều này khiến ví không còn cơ hội. Ví muốn có lời phải chuyển qua làm dịch vụ tài chính, điển hình có Momo làm ví trả sau (tương tự hình thức ứng tiền).

“Ba năm tới, người dân sẽ ít dùng ví điện tử. Nếu không khuyến mại, thì họ không có lý do gì để dùng. Nếu nhằm mục đích thanh toán, người dùng mở ứng dụng ngân hàng, quét QRcode, không phải mất thêm công nạp tiền qua ví rồi lại sử dụng”, đại diện Appota Group chia sẻ.

Vị này nói thêm, các ngân hàng không cần phải mua lại ví, vì họ đã có tập khách hàng sẵn. Chỉ cần đầu tư làm ứng dụng trơn chu, trong khi đó, ví điện tử không có kinh phí khủng để đầu tư về công nghệ.

Theo những người trong cuộc, ví điện tử có từ trước, sau khi Grab, Uber vào thị trường Việt Nam năm 2014, thì “đốt tiền” kiếm người dùng bằng các khuyến mãi khủng.

Các ví đã tạo ra một thói quen xấu cho người tiêu dùng là phải có khuyến mãi thì mới dùng. Trước năm 2015, do hệ thống công nghệ của ngân hàng chưa tốt nên ví mới có cơ hội phát triển. Bản chất công ty công nghệ làm rất nhanh, có thêm vốn sẽ có khuyến mãi nhiều, thậm chí khách nộp tiền điện cũng được chiết khấu. Bởi thế, người dùng sinh thói quen không khuyến mãi thì không dùng, vì nạp tiền mất công từ gắn ngân hàng liên kết, nộp tiền vào tài khoản ví, rồi sử dụng thanh toán mở ví...

Hầu hết các dịch vụ thanh toán qua ví đều khó có lời, nên ví định vị theo các hướng sản phẩm khác nhau, mỗi ví phục vụ một loại hệ sinh thái hoặc mục tiêu riêng. Ngay cả thị trường Trung Quốc thì ví Alipay, Wechat Pay, hay ví của Meituan (giao đồ ăn số một Trung Quốc) cũng phải có người sử dụng thì mới có tăng trưởng. Sau khi có người dùng rồi, họ mới tiến qua mảng dịch vụ tài chính để có lợi nhuận nhiều.

Với các ví đang hoạt động, dịch vụ gửi tiền lãi suất cao hơn ngân hàng; mua cổ phiếu, trái phiếu, đầu tư, bảo hiểm, vay ngắn hạn, vay tiêu dùng, mua trước trả sau, trả góp... đang linh hoạt hơn ngân hàng, bởi ngân hàng làm các dịch vụ này vướng quy trình hệ thống phức tạp cồng kềnh, trong khi ví điện tử chỉ cần liên kết hợp tác với bên thứ ba là có dịch vụ đẩy lên. Bởi thế, mảng này được dự báo sẽ phát triển.

Còn mảng thanh toán (dùng ví để thanh toán) sẽ đi xuống, vì ai cũng có thể mở ứng dụng ngân hàng quét QRcode trong một nốt nhạc.

FiinGroup dự báo, đến cuối năm nay sẽ có khoảng 50 triệu ví điện tử hoạt động tại Việt Nam, tăng gần 40% so với năm 2023. Hầu hết các “ông lớn” phát triển ví dẫn đầu vẫn đang trong giai đoạn “đốt tiền”, chưa có lãi. Trong khi công ty thanh toán trung gian có lãi vì sản lượng thanh toán đủ lớn để phủ chi phí vận hành.

Điển hình như trường hợp ví điện tử Vimo thuộc Công ty Vi Mô - đơn vị thành viên của Tập đoàn chuyển đổi số NEXTPAY.

Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của công ty này đạt 1.038 tỷ đồng, tăng thêm 100 tỷ đồng sau 12 tháng. Trong đó, chiếm chủ yếu là tài sản ngắn hạn với 1.034 tỷ đồng. Dù nợ phải trả lên đến hàng trăm tỷ đồng, nhưng tại thời điểm ngày 31/12/2023, Công ty Vi Mô không ghi nhận nợ vay tài chính.

Đáng chú ý, kết thúc năm 2023, doanh thu của Công ty Vi Mô lên đến 1.909 tỷ đồng, tăng thêm 337 tỷ đồng so với năm 2022. Sau khi khấu trừ các loại chi phí, công ty này báo lãi sau thuế hơn 374 tỷ đồng. Năm trước đó, doanh nghiệp này cũng báo lãi gần 157 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia, có một số hướng khả thi dành cho các ví điện tử để tồn tại và cạnh tranh trên thị trường. Các tên tuổi có thể tự động hóa cao hơn các nhu cầu tài chính như vay nhanh, thấu chi, ứng tiền, ứng lương ngày… Tích hợp hệ sinh thái lên ứng dụng ngân hàng như Taxi/VNShop của VNPAY, Loyalty của Urbox, hoặc Accesstrade; xử lý các hạ tầng thanh toán như VETC, EPASS cho các nhu cầu mới phát sinh.

Các công ty công nghệ trung gian khác cũng có thể làm theo hướng đi này mà không cần cấp phép ví. Vì thế, môi trường cạnh tranh ngày càng mở.

Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian tới, việc cạnh tranh khốc liệt có thể thúc đẩy các nhà cung cấp ví điện tử sáp nhập thành một vài siêu ứng dụng hàng đầu trong khu vực và địa phương nhằm thống lĩnh thị trường. Không chỉ thế, nhiều siêu ứng dụng và nhà cung cấp dịch vụ thuộc các nhóm ngành kinh tế khác (như thương mại điện tử, bán lẻ và dịch vụ tài chính) cũng sẽ bắt tay cùng hợp tác.

Yahoo Finance dự báo, trong năm nay, ví điện tử sẽ chiếm hơn một nửa tổng số thanh toán thương mại điện tử trên toàn thế giới.

Còn các chuyên gia nghiên cứu thị trường Analytics Insight thì cho rằng, hướng đi tới của ví điện tử sẽ phát triển mạnh khi ứng dụng những công nghệ như xác thực sinh trắc học, tăng cường ứng dụng mã QR, thanh toán kích hoạt bằng giọng nói, AI và máy học để ngăn chặn gian lận, công nghệ chuỗi khối.

Theo baodientu.vn

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết