A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhiều lựa chọn hấp dẫn cho nhà đầu tư nhỏ

Với việc nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh Covid-19, nền kinh tế trong nước đã cơ bản “bắt nhịp” với trạng thái bình thường mới. Đây là cơ hội thuận lợi để các nhà đầu tư nhỏ, vốn không lớn có thể tìm được kênh đầu tư phù hợp.



Với việc đầu tư hạ tầng đồng bộ, cùng các dự án lớn được triển khai, TP Hạ Long là một trong những địa phương được 

nhà đầu tư bất động sản quan tâm, kỳ vọng.

Theo các chuyên gia kinh tế, các nhà đầu tư trong nước chủ yếu tập trung cho 6 kênh đầu tư chính, gồm: Gửi tiết kiệm ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, vàng, khởi nghiệp và tài sản ảo. Trong đó, gửi tiết kiệm là kênh đầu tư truyền thống, tuy có lợi nhuận không cao nhưng rất ổn định và ít rủi ro nhất đối với các nhà đầu tư. Đây cũng là lý do, dù năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các kênh đầu tư đều giảm sức hút với nhà đầu tư, thì gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn có tăng trưởng.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, năm 2020, hệ thống ngân hàng giảm lãi suất nhưng huy động vốn trong dân cư vẫn tăng khoảng 13%. Tính riêng tại Quảng Ninh, huy động vốn tại các ngân hàng đến hết năm 2020 đạt 155.984 tỷ đồng, tăng 7,7% so với  31/12/2019. Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế là 31.400 tỷ đồng, tăng 15,5% so với 31/12/2019; tiền gửi tiết kiệm trong dân cư đạt 116.500 tỷ đồng, tăng 5,4% so với 31/12/2019; phát hành giấy tờ có giá 6.550 tỷ đồng, tăng 11,8% so với 31/12/2019; vốn, tiền gửi khác là 1.550 tỷ đồng, tăng 23,9% so với 31/12/2019.

Hiện các ngân hàng đang huy động VNĐ lãi suất  kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng phổ biến 3,2-3,9%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng từ 4-6%/năm, kỳ hạn trên 12 tháng khoảng 5,6-6,8%/năm. Mức lãi suất huy động này dù khá thấp nhưng vẫn tương đối hấp dẫn đối với nhiều nhà nhà đầu tư, vì còn thực dương so với kỳ vọng lạm phát. Bên cạnh đó, dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế trong nước, năm 2021 tăng trưởng huy động vốn có thể tăng tương ứng 11-12% để đảm bảo tăng trưởng tín dụng theo mục tiêu của cơ quan quản lý.

Đối với kênh đầu tư vàng, dù thời điểm này không được nhắc tới nhiều so với trước đây, tuy nhiên, vẫn có nhiều nhà đầu tư bỏ vốn. Chị Nguyễn Mai Phương (TP Hạ Long) cho biết: Thị trường vàng thời gian qua có khá nhiều biến động, tuy nhiên, nếu nhà đầu tư lựa chọn đúng thời điểm mua vào và bán ra hợp lý thì có thể đạt lợi nhuận. Như năm 2020, giá vàng đã tăng từ 25-30%, nhiều nhà đầu tư kênh này đã thắng lớn. Bản thân tôi là một nhà đầu tư rất nhỏ, số vốn không nhiều, chỉ hơn trăm triệu, nên tôi lựa chọn kênh đầu tư này vì có mức lãi cao hơn so với gửi tiết kiệm, việc giao dịch mua bán cũng khá thuận lợi.

Nếu như 2 kênh đầu tư gửi tiết kiệm và vàng cơ bản vẫn giữ được mức độ quan tâm vừa phải của nhà đầu tư, thì kênh đầu tư bất động sản đã khá “nóng” tại Quảng Ninh. Với việc thu hút hàng loạt các dự án lớn trên địa bàn tỉnh, trải dài ở nhiều địa phương, các nhà đầu tư nhỏ ngày càng kỳ vọng vào kênh đầu tư này. Anh Phạm Đức Long (TP Uông Bí) cho biết: Đặc biệt 2 năm trở lại đây, thị trường bất động sản của Quảng Ninh rất sôi động. Các vị trí đất khi nằm trong quy hoạch phát triển của địa phương hay của tỉnh đều tăng giá nhanh, được nhiều người quan tâm, nhất là ở Vân Đồn, Quảng Yên, TP Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả... Rất nhiều nhà đầu tư nhỏ đã được lợi từ kênh đầu tư bất động sản. Qua theo dõi thị trường bất động sản từ cuối năm 2020 đến nay, tôi thấy, hầu hết nhà đầu tư đều có lãi. Tuy nhiên, đầu tư ở kênh bất động sản cần vốn lưu động lớn, khả năng tính toán nhanh nhạy và cả “duyên” của người đầu tư.

Đối với các kênh đầu tư khác, như: Chứng khoán, khởi nghiệp và tài sản ảo, được coi là “sân chơi” của nhà đầu tư am hiểu công nghệ, thị trường. Với mức độ phổ biến của công nghệ thông tin, ngày càng có nhiều nhà đầu tư nhỏ tham gia các kênh đầu tư này, nhất là người trẻ tuổi.

Theo các chuyên gia kinh tế, đặc thù của nhà đầu tư nhỏ là số vốn không lớn, nhu cầu đầu tư trong thời gian ngắn, dễ bị dao động, ảnh hưởng bởi thị trường đầu tư chung... chính vì vậy, để đầu tư hiệu quả, đạt lợi nhuận cao, các nhà đầu tư nhỏ cần phải tìm hiểu thông tin kỹ, qua kênh thông tin uy tín, cân nhắc với số vốn có thể bỏ ra, không nên chạy theo số đông, phong trào; không nên huy động đầu tư từ tín dụng đen...

Đáng chú ý, thời gian qua, trước diễn biến sôi động từ thị trường bất động sản tại Quảng Ninh, cơ quan chức năng đã ra nhiều văn bản khuyến cáo. Gần đây nhất, UBND tỉnh đã có Công văn số 1792/UBND-QLĐĐ1 (ngày 29/3/2021). Văn bản khuyến cáo: Trong thời gian gần đây, trên địa bàn các địa phương: Cẩm Phả, Hạ Long, Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều... có tình trạng tăng giá đất đột biến ở một số khu vực, đặc biệt là TP Hạ Long (Khu đô thị Cao Xanh - Hà Khánh A, B, C, Khu đô thị Hà Khánh giai đoạn I, II của Tập đoàn FLC; dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu trung tâm thương mại và dân cư xã Thống Nhất; dự án đầu tư xây dựng - kinh doanh hạ tầng Khu dân cư thôn Chợ tại xã Thống Nhất...). Đáng chú ý, có một số dự án chưa đủ điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật (đặc biệt có dự án chưa được UBND tỉnh giao đất như dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu trung tâm thương mại và dân cư xã Thống Nhất của Công ty TNHH Phúc An), nhưng thông tin trên các trang mạng điện tử tình trạng mua bán đã diễn ra sôi động. Có hiện tượng trên là do các đối tượng môi giới bất động sản đã mua đi, bán lại nhiều ô đất của các dự án trên đây để hoạt động “làm thị trường”; đây là hoạt động đầu cơ có tổ chức, có kịch bản đã được chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm mục đích “thổi giá”, gây “sốt” tạo “sóng ảo” về nhu cầu, nhằm đẩy giá lên cao. Thực chất đây là các hoạt động mua đi, bán lại với nhau trong chính các nhóm môi giới đang thao túng gây rối thị trường, tạo các giao dịch “mồi” để dụ các khách hàng "nhẹ dạ cả tin" vào mua đất. Khi người dân đầu tư mua thông qua các giao dịch, càng tạo nên sốt đất ảo sẽ tăng cao. Tình trạng này kéo theo một số hệ lụy cho xã hội như: Gây khó khăn cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án để phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng lân cận của địa phương; gây mất an ninh trật tự, tín dụng đen...

Đối với kênh đầu tư vàng, hiện nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là đơn vị duy nhất được xuất nhập khẩu vàng. Vì thế, nhà đầu tư cũng cần lưu ý tới rủi ro khi chênh lệch giá trong nước và thế giới quá lớn như hiện nay. Khi Nhà nước có những quyết định mang tính can thiệp, mạnh tay có thể mức chênh lệch này lập tức bị thu hẹp. Những hoạt động mang tính chất đầu cơ, găm giữ vàng ở thời điểm hiện tại rất có thể dẫn tới thua lỗ lớn về sau.

Theo quangninh.gov.vn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết