A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Muốn đi xa phải đi cùng nhau...

"Muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa phải đi cùng nhau", với tâm niệm ấy, Quảng Ninh xác định tiếp tục đẩy mạnh liên kết với các địa phương để phát huy tối đa giá trị của những di tích - danh thắng liên vùng, đồng thời tạo cầu nối cho cộng đồng các doanh nghiệp hợp tác hiệu quả, đi vào thực chất, phối hợp trong quảng bá hình ảnh du lịch vùng và du lịch Việt Nam ra quốc tế.

Liên kết phát huy giá trị di tích liên vùng

Quảng Ninh có 6 Di tích quốc gia đặc biệt: Danh lam thắng cảnh Vịnh Hạ Long, Khu di tích (KDT) lịch sử và danh thắng Yên Tử, KDT Chiến thắng Bạch Đằng, KDT nhà Trần tại Đông Triều, KDT lịch sử đền Cửa Ông - Cặp Tiên và Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô. Đây đều là những di sản vô giá để tỉnh khai thác phát triển du lịch và thực tế đang là những điểm đến hấp dẫn du khách bậc nhất Quảng Ninh. Nhiều di tích trong số này đang đứng trước cơ hội vươn tầm thế giới, hoặc nâng tầm giá trị nhờ những nỗ lực của tỉnh trong việc liên kết với các địa phương hình thành những di tích liên vùng, xứng đáng được UNESCO ghi danh.

Để khai thác giá trị có một không hai của di tích Yên Tử, bao gồm KDT nhà Trần tại Đông Triều, KDT Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh), Khu bảo tồn Tây Yên Tử (tỉnh Bắc Giang), KDT lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Côn Sơn - Kiếp Bạc (tỉnh Hải Dương), tỉnh Quảng Ninh đang phối hợp cùng 2 tỉnh Hải Dương và Bắc Giang triển khai các bước xây dựng hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử trình UNESCO xem xét, công nhận là Di sản thế giới. Theo kế hoạch, hồ sơ đề cử chính thức sẽ được trình lên UNESCO Paris trước ngày 31/12/2022.

Quảng Ninh phối hợp với Bắc Giang và Hải Dương xây dựng hồ sơ đề cử UNESCO xem xét, ghi danh Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử vào Danh mục Di sản thế giới. Ảnh chụp tại chùa Đồng, Yên Tử (Quảng Ninh).

Bên cạnh đó, Quảng Ninh, Hải Dương và Hải Phòng cũng phối hợp, báo cáo, trình các cấp và Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng hồ sơ khoa học đệ trình UNESCO công nhận Di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng là Di sản văn hoá thế giới.

Ngày 28/1/2021, tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng đã đệ trình thành công hồ sơ đề cử Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà lên UNESCO. Đây được coi là một trong những dấu mốc quan trọng khẳng định sự phối hợp hiệu quả, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền 2 địa phương. Nếu được ghi danh, Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà sẽ trở thành Di sản thế giới nối dài đầu tiên của Việt Nam, có sự liên kết quản lý chung của 2 địa phương. 

Vượt qua tư duy cục bộ để thực hiện liên kết, chủ động bắt tay với các tỉnh, thành phố kết nối các di tích tại từng địa phương để hình thành di tích liên vùng, tạo sự liền mạch và những vùng văn hóa toàn vẹn, Quảng Ninh cho thấy quyết tâm nâng tầm di tích, tạo động lực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích, cũng như mở thêm không gian cho du lịch vùng phát triển.

Liên kết để tạo bệ phóng phát triển

Tại chương trình liên kết, xúc tiến du lịch giữa 28 sở du lịch, hiệp hội du lịch, doanh nghiệp các tỉnh phía Bắc diễn ra tại TP Hạ Long ngày 22/3/2022, Quảng Ninh đề xuất xây dựng liên kết cụm, liên kết vùng để gia tăng sức hút cho các điểm đến, mang tới đa dạng trải nghiệm cho du khách. Quảng Ninh đề xuất liên kết xây dựng các sản phẩm du lịch chuyên đề như du lịch golf với Hải Phòng, Quy Nhơn, Hải Dương để đưa ra những gói combo hấp dẫn, trải nghiệm trọn vẹn cho du khách.

Quảng Ninh đề xuất ý tưởng liên kết vùng, hình thành những sản phẩm du lịch chuyên đề tại chương trình liên kết, xúc tiến du lịch giữa 28 Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch, doanh nghiệp các tỉnh phía Bắc.

Đánh giá về ý tưởng này, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng đây là sáng kiến rất đáng hoan nghênh. Nếu triển khai thành công sẽ giúp nâng cao sức cạnh tranh cho du lịch phía Bắc và du lịch Việt Nam nói chung, hấp dẫn những đối tượng khách có khả năng chi trả cao, đối tượng khách doanh nhân; tạo sự khác biệt cho du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới trong bối cảnh du lịch mở cửa trở lại. Ông Siêu cho biết thêm, với sự chủ động và quyết tâm trong thực hiện liên kết vùng, Quảng Ninh có thể coi là điển hình của cả nước.

Quảng Ninh cũng tăng cường kết nối với các đầu mối phân phối khách như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Tháng 1/2022, Quảng Ninh ký biên bản hợp tác với Ninh Bình, Hà Nội và Lữ hành Vietravel. Biên bản ký kết sau đó đã được hiện thực hóa bằng hàng chục đoàn khách tới Quảng Ninh từ đầu năm đến nay.

Các Sở Du lịch Quảng Ninh, Hà Nội, Ninh Bình và Công ty Vietravel ký kết biên bản ghi nhớ triển khai du lịch an toàn.

Du khách phía Nam yêu thích bãi biển, khí hậu cùng các trải nghiệm văn hóa đặc sắc của Quảng Ninh và coi Quảng Ninh là điểm đến quen thuộc, trở lại nhiều lần. Trước đây, lượng khách phía Nam tới Quảng Ninh chiếm 10% tổng số khách nội địa, con số này đến nay đã tăng lên 25%. Nguyên nhân chính là do Sân bay quốc tế Vân Đồn đi vào hoạt động, giúp việc vận chuyển khách giữa TP Hồ Chí Minh tới Quảng Ninh thuận tiện và dễ dàng hơn. Cùng với đó là những sản phẩm du lịch mùa đông có sức hút lớn với du khách như trải nghiệm tắm khoáng nóng tại Yoko Onsen Quang Hanh, hay chiêm ngưỡng cảnh sắc vùng biên viễn Bình Liêu...

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, cho biết, tháng 11/2020, TP Hồ Chí Minh đã ký kết thỏa thuận về hoạt động liên kết phát triển du lịch với 8 tỉnh Đông Bắc, trong đó có Quảng Ninh. Nội dung liên kết hợp tác tập trung vào công tác quản lý nhà nước về du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, quảng bá, xúc tiến du lịch. Trong giai đoạn du lịch mở cửa trở lại như hiện nay, bà Hiếu trông đợi 2 địa phương sẽ mở rộng nội dung liên kết, tăng cường phối hợp trong đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng sản phẩm mới để tạo đà cho du lịch vùng phục hồi nhanh, bền vững.

Trung tâm lữ hành Heritage, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch (Sở Du lịch Quảng Ninh) kết nối với đối tác TST Tourist (TP Hồ Chí Minh) tổ chức khóa học đào tạo kỹ năng cho nhân lực và xây dựng sản phẩm tour, tháng 5/2021.

Trong 2 năm chống chịu và sống chung với dịch Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp du lịch luôn tâm niệm “Muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa phải đi cùng nhau”. Không để liên kết chỉ dừng lại là những cái bắt tay suông, mà phải đi vào thực chất, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Hà Nội Trịnh Thị Mỹ Nghệ cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, việc liên kết cần phải thay đổi, phải đi vào thực chất, yêu cầu sự chân thành từ tất cả các bên. Đồng thời, các sở, hiệp hội du lịch cũng phải thường xuyên trao đổi và đánh giá, rút kinh nghiệm, có như vậy liên kết mới thực sự tạo bệ phóng cho du lịch phát triển.

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong số các giải pháp phục hồi du lịch, liên kết hợp tác là quan trọng nhất, là chìa khóa mở ra cho việc phát triển du lịch từ chiến lược đến hành động. Các địa phương liên kết để tạo cộng hưởng phát triển, nắm bắt thời cơ phục hồi, tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế, hình thành sản phẩm “Một hành trình, nhiều điểm đến”. Đồng thời liên kết cũng giúp tạo dựng một hình ảnh chung mang bản sắc dễ nhận biết cho việc xây dựng hình ảnh và các chiến lược truyền thông du lịch ra quốc tế.

Theo Báo Quảng Ninh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết