A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giải bài toán tăng cung tiền cho nền kinh tế

Chuyên gia cho rằng, cần giải bài toán tăng cung tiền cho nền kinh tế mới giúp tạo ra công ăn việc làm, các doanh nghiệp bán được hàng và hỗ trợ tăng trưởng.

Theo Tổng cục Thống kê, trong quý 1/2023, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm 2% so với cùng kỳ, trong khi số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể tăng 39,9%. Hai khó khăn hàng đầu của doanh nghiệp là tiếp cận tín dụng và thị trường bị thu hẹp.

Môi trường kinh doanh tại Việt Nam gặp rất nhiều thách thức, nền kinh tế thiếu tiền trầm trọng, cùng với lãi suất cao và nhiều nút thắt về thể chế khiến nhiều doanh nghiệp có xu hướng rút lui khỏi thị trường

Vì vậy, trong phiên họp mới đây, Uỷ ban Kinh tế Quốc Hội đã nhận định, quý 2/2023, tình hình sẽ vẫn không mấy khả quan. Tình trạng thiếu đơn hàng, đơn hàng nhỏ lẻ, số lượng ít, đơn giá thấp có thể kéo dài đến hết quý 2.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh Nghiệp, ông Phạm Xuân Hoè, Nguyên phó viện trưởng việc Chiến lược (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, từ đầu năm đến nay, môi trường kinh doanh tại Việt Nam gặp rất nhiều thách thức, nền kinh tế thiếu tiền trầm trọng, cùng với lãi suất cao và nhiều nút thắt về thể chế. Trong bối cảnh như vậy, các doanh nghiệp có xu hướng rút lui khỏi thị trường là tất yếu.

Lý giải cho vấn đề này, ông Hoè phân tích, trong quý 1/2023, tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng 0,57%, còn cả năm 2022 là hơn 6%, điều đó cho thấy nền kinh tế lúc nào cũng thiếu tiền.

“Có hai nguyên nhân lớn mà tôi muốn nhấn mạnh đó là: Thứ nhất, toàn bộ tiền của ngân sách, Kho bạc, Chính phủ phát hành trái phiếu xong không đưa ra nền kinh tế, mà vẫn nằm ở Ngân hàng Trung ương và không tính vào cung tiền M2 khoảng gần 1 triệu tỷ đồng. Nếu số tiền này giải ngân được ra nền kinh tế sẽ tăng trưởng tương đương với gần 10%, khi đó mới giúp tạo ra công ăn việc làm, các doanh nghiệp xây lắp, vật liệu xây dựng mới bán được hàng, bởi vì chi tiêu của Chính phủ rất lớn trong tổng kinh tế vĩ mô.

Thứ hai là nút thắt về thể chế và các thủ tục hành chính. Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khảo sát, có 72,1% các doanh nghiệp trả lời phải có câu chuyện “bôi trơn” thì mới sớm xong thủ tục hành chính.

Vì vậy, Việt Nam phải có sự đổi mới về tư duy chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp Việt thực sự phát triển, để cân bằng lại sức mạnh so với các doanh nghiệp nước ngoài”, ông Phạm Xuân Hoè nói.

Cần giải bài toán tăng cung tiền cho nền kinh tế mới giúp tạo ra công ăn việc làm, các doanh nghiệp bán được hàng và hỗ trợ tăng trưởng.

Ngoài ra, vị chuyên gia cũng lưu ý thêm về việc lãi suất kỳ vọng thực dương để khuyến khích người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng, trong khi lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi chênh lệch từ 4-5%. Ngay cả khi nền kinh tế rất khó như vậy, nhưng các ngân hàng vẫn lãi lớn, cho nên cần phải xem xét, điều chỉnh lại việc phân bổ nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn đang chảy vào bất động sản quá nhiều mà không chảy vào công nghiệp, chế biến chế tạo hay công nghệ cao,... như chúng ta mong đợi.

Chia sẻ với góc nhìn lạc quan hơn, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia tài chính - bày tỏ, vẫn có cơ hội cho nền kinh tế trong thời gian tới khi Chính phủ đã quyết định trình Quốc hội ban hành Nghị quyết giảm 2% thuế VAT cho các loại hàng hóa, dịch vụ chịu thuế VAT 10%.

Điều này chắc chắn sẽ kích thích nền kinh tế cả ở đầu vào sản xuất của doanh nghiệp, cũng như thúc đẩy tiêu dùng cuối cùng khi giá cả sẽ hạ bớt, dự kiến giá hàng hóa giảm khoảng 1,7%. Điểm tích cực là với các doanh nghiệp đang gặp khó do lượng hàng tồn kho tăng cao, vòng quay vốn bị đình trệ, thì việc giảm 2% thuế VAT sẽ giúp tăng khả năng tiêu thụ cho doanh nghiệp ở ngay thị trường trong nước.

“Tuy nhiên, để chính sách này thực sự có hiệu quả, công tác quản lý giá phải rất sát sao, bảo đảm giá hàng hóa phù hợp giá thành sản xuất, tránh tình trạng thuế VAT giảm nhưng giá bán lại tăng cao”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh lưu ý.

Còn theo một vị chuyên gia đề xuất, mấu chốt vẫn phải là giải bài toán về lãi suất huy động cho doanh nghiệp, vì hiện lãi suất vẫn ở mức cao so với thời điểm trước dịch Covid-19. Đặc biệt, phải tập trung cho nhiệm vụ chính trị quan trọng đó là giải ngân 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công trong năm 2023, đây là con số khổng lồ nhưng nếu thực hiện được sẽ kéo theo toàn nền kinh tế tăng trưởng.

Theo diendandoanhnghiep.vn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết