A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Doanh nhân Phạm Thị Nguyệt Dung với nỗ lực nâng tầm giá trị nông sản Quảng Ninh

Không sinh ra và lớn lên tại Quảng Ninh, nhưng vốn tâm huyết với ngành chăn nuôi và nhận thấy tiềm năng phát triển tại vùng mỏ, hai vợ chồng chị Phạm Thị Nguyệt Dung (SN 1978) - Chủ trang trại sản xuất, kinh doanh trứng gà Tân An (TX Quảng Yên) đã quyết định lựa chọn Quảng Ninh là nơi khởi nghiệp của mình. Gần 15 năm dấn thân vào một lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hoàn toàn mới song chị Phạm Thị Nguyệt Dung luôn kiên định, nỗ lực, điều hành doanh nghiệp phát triển ổn định, hiệu quả, xây dựng thương hiệu trứng gà Tân An đứng vững trên thị trường ở trong và ngoài tỉnh, góp phần nâng tầm giá trị nông sản Quảng Ninh.

Bền bỉ xây dựng thương hiệu 

Vợ chồng chị Phạm Thị Nguyệt Dung và anh Nguyễn Duy Diễn vốn là người Hà Nội. Trước khi về với Quảng Ninh, anh chị đều là công chức nhà nước, có công việc thu nhập ổn định. Chia sẻ về cơ duyên gắn bó với con gà, chị Dung kể: “Ban đầu nghĩ đến việc làm nông nghiệp chỉ là niềm yêu thích của cả hai vợ chồng. Song qua bạn bè giới thiệu, nắm bắt thông tin về việc dự án chăn nuôi của địa phương, sau quá trình khảo sát, tìm hiểu, chúng tôi quyết định nắm bắt cơ hội, tạm dừng công việc nhà nước và quyết tâm thử sức với lĩnh vực này dù biết trước có nhiều khó khăn, thử thách. Nghĩ lại ngày ấy thấy hai vợ chồng khá liều lĩnh song chúng tôi cũng tự tin, kiên định với mục tiêu mình đặt ra và theo đuổi”.

Các quy trình chăm sóc, quản lý đàn gà được chị Dung thực hiện, kiểm tra hằng ngày.

Với quyết tâm làm nghề, chị Dung bắt tay ngay vào quá trình học hỏi kiến thức, kinh nghiệm về chăn nuôi gà tại một số cơ sở, trang trại uy tín khu vực ngoại thành Hà Nội. Vừa học vừa làm, năm 2008, sau khi đến Tân An (TX Quảng Yên) chị Dung thành lập hộ kinh doanh gia đình, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trang trại và đến năm 2009 chính thức vận hành.

Không giống với những trang trại chăn nuôi gà nhỏ lẻ, với quy mô trang trại gà Tân An khi lập dự án chăn nuôi 8 vạn con gà, trong đó có 6 vạn gà đẻ và 2 vạn gà hậu bị, ngay từ khi triển khai, chị Dung đã xác định rõ từng lộ trình, thời điểm nâng số lượng đàn và thực hiện chăn nuôi theo quy trình vòng tròn khép kín, đảm bảo chặt chẽ từ khâu quản lý đến kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc đàn gà theo quy chuẩn. Tại thời điểm 2009, quy mô trang trại của chị Dung lớn nhất tỉnh và đứng thứ nhì ở miền Bắc. Đến hết năm 2023, trang trại gà Tân An đã đạt mục tiêu 5 vạn gà đẻ và 2 vạn gà hậu bị, dự kiến đến hết quý 3/2024 sẽ hoàn thành mục tiêu như quy mô đề ra.

Đạt được kết quả đó, cùng với việc tận dụng lợi thế trang trại gà nằm khá xa khu dân cư, trên khu đất rộng gần 5ha, không khí thoáng đãng, ôn hòa, để đảm bảo chất lượng gà đẻ, chất lượng trứng và phòng chống dịch bệnh, chị Dung nhập giống gà từ Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam - doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực chăn nuôi ở Việt Nam từ khi gà mới được 1 ngày tuổi. Sau đó, số gà con này được nuôi úm ở một khu chuồng riêng biệt cho đến khi được 17 tuần tuổi thì chuyển đến khu chuồng nuôi gà đẻ bắt đầu cho trứng và khai thác trong vòng một năm là thay thế bằng đàn gà hậu bị. Thêm nữa, để gà cho ra sản lượng trứng đạt chuẩn sạch, trang trại luôn đảm bảo vệ sinh, có theo dõi nhiệt độ, ánh sáng phù hợp, sưởi ấm, làm mát tự động đến thức ăn cho gà cũng phải đủ dưỡng chất sạch. Nhờ vậy, gà thường có sức đề kháng tốt, ít mắc bệnh. Những cá thể nào không tồn tại được sẽ bị loại bỏ, chứ không dùng thuốc kháng sinh để chữa.

Nhân viên trang trại thực hiện thu trứng từ 9h00-11h00 hằng ngày.

“Đối với người làm nông nghiệp, việc tạo ra sản phẩm chất lượng đã khó, việc tìm đầu ra cho sản phẩm, để nhiều người biết đến lựa chọn, tin tưởng tiêu dùng là thách thức không hề nhỏ. Vì vậy, với tư cách là chủ trang trại tôi phải đi tiếp thị tận nơi từ chợ, đại lý, siêu thị, hệ thống nhà hàng, khách sạn ở trong và ngoài tỉnh. Quan trọng nhất là trứng ở đây được tiêu thụ trong ngày. Sau khi thu nhặt, đóng gói xong là được vận chuyển đến các đầu mối tiêu thụ nên trứng luôn tươi ngon, giữ được hương vị đặc trưng, được khách hàng tin tưởng. Những năm đầu, trang trại tiêu thụ chính là ở các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng thì đến nay việc cung cấp cho thị trường trong tỉnh đã đảm bảo đầu ra nhất định, không lo tồn đọng” - chị Dung bộc bạch.

Mỗi ngày, trang trại gà Tân An cung ứng cho thị trường từ 40.000-42.000 quả trứng cho các bếp ăn của ngành Than, hệ thống nhà hàng, khách sạn lớn như FLC, Paddington Hạ Long, nhà hàng Hồ Cô Tiên… ước tính doanh thu trên 100 triệu đồng. Sản phẩm trứng gà Tân An đã được chứng nhận OCOP 4 sao của tỉnh Quảng Ninh vào năm 2019, nhiều năm liền trứng gà Tân An được Hội Nông dân tỉnh tôn vinh là Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu. 

Nhờ quy trình sản xuất nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn, chất lượng, sản phẩm trứng gà Tân An đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao tỉnh Quảng Ninh năm 2019. 

Là người không ngừng sáng tạo, luôn tìm tòi những ý tưởng mới với đau đáu làm sao để có thể nâng tầm giá trị của nông sản, vì vậy, sau quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vừa qua, trang trại Tân An đã thí điểm đưa sản phẩm gà ủ muối hoa tiêu ra giới thiệu và từng bước được người tiêu dùng tín nhiệm.

Chị Dung cho biết: "Trên thị trường hiện nay có nhiều sản phẩm gà ủ muối hoa tiêu, gà xông khói, gà ủ xì dầu, gà ủ thảo mộc… nhưng chúng tôi tin sản phẩm của mình sẽ có lợi thế. Bởi chúng tôi chủ động được về nguồn nguyên liệu đạt chuẩn là đàn gà được nuôi tại trang trại với quy trình an toàn, sạch bệnh, đã được kiểm chứng. Sản phẩm gà ủ muối hoa tiêu này đã được chúng tôi ấp ủ, nghiên cứu trong thời gian dài, kết hợp với các đầu bếp khách sạn 5 sao tạo hương vị trọn vẹn, hấp dẫn mới đưa ra thị trường nên hoàn toàn có thế mạnh cạnh tranh với các sản phẩm hiện nay".

Thành công đến từ chữ “Tâm”

Trứng và gà đều là sản phẩm nông nghiệp quen thuộc và có thị trường cạnh tranh với mức độ rất lớn, nên việc khởi nghiệp trong mảng này lại không dễ. Tuy nhiên, với mong muốn tạo dựng một thương hiệu thực phẩm sạch, góp phần nâng cao sức khỏe và tầm vóc người Việt, trên con đường theo đuổi khát vọng đó, nữ doanh nhân Phạm Thị Nguyệt Dung luôn xác định sự chủ động nội tại có vai trò then chốt, và là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Từ khâu nghiên cứu thị trường, quy trình chăm sóc đàn gà đến quá trình sản xuất sản phẩm chế biến sẵn chị luôn là người tiên phong, truyền ngọn lửa quyết tâm và triết lý kinh doanh của mình đến các cộng sự.

Doanh nhân Phạm Thị Nguyệt Dung luôn không ngừng học hỏi, nghiên cứu phát triển những nông sản sạch, an toàn.

Xây dựng thương hiệu nông sản sạch không chỉ là một quá trình quảng bá mà còn là sự cam kết đối với chất lượng và sức khỏe của cộng đồng. Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến an toàn thực phẩm, việc tạo ra một thương hiệu nông sản sạch không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp. Hiện thực hóa mục tiêu nuôi gà sạch, không kháng sinh, đòi hỏi yêu cầu cao trong từng khâu chăm sóc, song chị Dung vẫn luôn kiên định, quyết tâm thực hiện với tất cả tâm huyết. Đó cũng là cách chị tạo áp lực, tự nghiêm khắc với chính mình trong quá trình xây dựng, khẳng định thương hiệu sản phẩm chất lượng, an toàn đến với người tiêu dùng.

Nhờ đó, trang trại phát triển không chỉ mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp mà còn tạo sinh kế thu nhập ổn định cho nhiều lao động. Trang trại Trứng gà Tân An đã tạo việc làm cho 9 nhân công là sinh viên tốt nghiệp trường Cao đẳng Nông lâm Đông Bắc chuyên ngành chăn nuôi thú y với thu nhập trung bình 9-10 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, hàng năm chị Dung đều phối hợp với nhà trường nhận đỡ đầu từ 5-7 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời tạo điều kiện cho các em đến trang trại học tập, thực hành, làm việc vào cuối tuần để có thêm thu nhập đảm bảo học tập, sinh hoạt.  

Không chỉ là một nữ doanh nhân giỏi, chị Dung còn tích cực tham gia các phong trào thi đua của các cấp Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh. Trên cương vị Ủy viên BCH Hội Nông dân tỉnh, Ủy viên BCH Hội Nông dân TX Quảng Yên, Chi hội trưởng Chi hội xúc tiến du lịch, hỗ trợ tiêu thụ nông sản Bạch Đằng TX Quảng Yên, chị luôn tích cực tham gia hoạt động, hỗ trợ các hội viên trong phát triển sản xuất, kinh doanh. Vừa qua, chị vinh dự được Hội LHPN tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua “Xây dựng hình ảnh người phụ nữ Quảng Ninh thời đại mới”.

Trứng gà Tân An được lựa chọn, đóng gói cẩn thận trước khi bán ra thị trường.

Khái quát về định hướng trong thời gian tới, chị Phạm Thị Nguyệt Dung chia sẻ: Với khát vọng phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên sâu tạo ra những sản phẩm chế biến làm tăng giá trị sản phẩm, cùng với sản phẩm gà ủ muối hoa tiêu hiện nay, chúng tôi cũng đang nghiên cứu chế biến các sẩn phẩm ăn liền từ trứng gà. Cùng với đó, học hỏi chuyển giao quy trình nuôi gà bằng thức ăn chế biến từ thảo dược sạch nhằm nâng cao chất lượng ding dưỡng của gà, trứng, tạo ra những sản phẩm mới, giá trị cao, góp phần đa dạng và lan tỏa thương hiệu nông sản, sản phẩm OCOP Quảng Ninh.

Mỗi thương hiệu sản phẩm đều được doanh nhân Phạm Thị Nguyệt Dung gây dựng bởi nhiệt huyết, quyết tâm và những nỗ lực không mệt mỏi. Quá trình đó không chỉ được xây bằng uy tín, tư duy lãnh đạo, mà còn cả bằng cả khát vọng, ý chí dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu. Và đó cũng cũng là tiền đề quan trọng để mỗi sản phẩm của trang trại Trứng gà Tân An sẽ tiếp tục phát triển và giữ vững thương hiệu sản phẩm sạch, tin cậy trong lòng người tiêu dùng ở trong và ngoài tỉnh.

Theo baoquangninh.vn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết