A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XV của tỉnh: Phát triển kinh tế nhanh, bền vững

Quảng Ninh thực hiện Nghị quyết Đại hội XV của tỉnh trong điều kiện có những thuận lợi, nhưng cũng nhiều khó khăn. Trong nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết, tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh, khó lường; đại dịch Coivid-19 kéo dài gây hậu quả nặng nề; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; ngành than có nhiều khó khăn... Kế thừa và giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ, chính quyền, tỉnh tiếp tục nhận định đúng tình hình, từ đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để từng bước giải quyết tốt những mâu thuẫn. Cùng với đó, sự đồng lòng của các lực lượng, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đã chung tay vượt qua những khó khăn.


Đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh, nghe chủ đầu tư KCN Bắc Tiền Phong (TX Quảng Yên) báo cáo những vướng mắc trong quá trình triển khai đầu tư. Ảnh: Đỗ Phương

Đặc biệt, trước những tác động tiêu cực chưa từng có do đại dịch Covid-19, ngành du lịch, dịch vụ - ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh đã bị kiệt quệ, Quảng Ninh đã quyết liệt triển khai hiệu quả Nghị quyết số 01-NQ/TU (ngày 16/11/2020) về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tạo đột phá trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao vào GRDP và ngân sách. Đồng thời, thực hiện tái cơ cấu ngành du lịch phù hợp với bối cảnh mới của thị trường khách nội địa và quốc tế. Tỉnh cũng đã kịp thời có quyết sách đúng đắn đi đầu mở cửa du lịch mạnh mẽ, đúng thời điểm, linh hoạt, thích ứng an toàn bằng các cơ chế, chính sách, giải pháp phục hồi, hỗ trợ kích cầu du lịch.

Sức mạnh nội sinh, ý chí tự lực, tự cường, truyền thống đoàn kết, tinh thần năng sộng, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn đã giúp Quảng Ninh vượt qua những khó khăn, trong đó ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã đón 24,18 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt 47.050 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, tổng khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt 8,2 triệu lượt, mục tiêu cả năm, Quảng Ninh thu hút 15 triệu lượt khách (dự kiến cao hơn 1 triệu lượt khách so với năm 2019). Theo báo cáo đánh giá chỉ số cạnh tranh du lịch Việt Nam năm 2021 đối với 15 tỉnh, thành phố theo các nhóm, trụ cột, Quảng Ninh có vị trí xếp hạng cao (đứng thứ 2 sau Đà Nẵng). Vịnh Hạ Long được chuyên trang du lịch của hãng CNN bình chọn là một trong 25 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới...

Cùng với đó, tỉnh gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững, với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh; đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa gắn với nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị, xây dựng NTM gắn với phát triển kinh tế nông thôn, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách chênh lệch vùng, miền. Tỉnh cũng gắn triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia với thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU (ngày 15/7/2021) của Tỉnh ủy và các nghị quyết của HĐND tỉnh về chương trình phát triển bền vững KT-XH gắn với đảm bảo vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo và chương trình xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn giai đoạn 2021-2025... Qua đó, nâng cao phúc lợi xã hội, tiến bộ, công bằng xã hội và chất lượng sống mọi mặt của nhân dân; đảm bảo hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần theo các tiêu chí của “hạnh phúc”...


Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh giải quyết TTHC cho doanh nghiệp trên phần mềm điện tử. Ảnh: Minh Hà

Mặc dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19, kinh tế của Quảng Ninh liên tục tăng trưởng cao và ổn định. Nhiều chỉ tiêu chủ yếu trong Nghị quyết Đại hội XV của tỉnh đạt và vượt. Tốc độ GRDP năm 2021 đạt 10,12%, năm 2022 đạt 10,28%, dự kiến năm 2023 tăng 11%. Bình quân giai đoạn 2021-2023 tăng 10,4%, cao hơn chỉ tiêu nghị quyết khoảng 10%. Quảng Ninh luôn nằm trong nhóm những địa phương có tốc độ tăng trưởng cao của cả nước, lập nên kỳ tích trong công cuộc đổi mới. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững, dịch vụ, du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, giảm dần sự phụ thuộc vào ngành than; quy mô nền kinh tế tăng nhanh, hết năm 2022 đạt 269.246 tỷ đồng, dự kiến năm 2023 đạt 312.420 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2020 và 2,7 lần so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt trên 8.290 USD, gấp đôi bình quân chung của cả nước (cao nhất ở khu vực phía Bắc), dự kiến năm 2023 đạt 9.469 USD, cao gấp 1,4 lần so với năm 2020 và gấp 2,2 lần so với năm 2015.

Giai đoạn 2021-2022, Quảng Ninh giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI)...

Cùng với đó, nhiều chỉ tiêu về xã hội, môi trường đề ra trong Nghị quyết Đại hội XV của tỉnh cũng đạt và vượt, tạo bàn đạp, động lực để Quảng Ninh tiếp tục bứt phá đi lên.

Dự đoán trong thời gian tới, tình hình kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục có những khó khăn, Quảng Ninh tiếp tục bám sát các giải pháp đã đề ra của cả nhiệm kỳ, chủ động rà soát, bổ sung những giải pháp phù hợp với thực tế để thúc đẩy nền kinh tế phát triển, nâng cao mọi mặt đời sống của nhân dân.

Theo quangninh.gov.vn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết