A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khởi động khai thác, thu hồi đất đá thải mỏ phục vụ san lấp các công trình dân dụng và công nghiệp

Sáng 24/11, tại mặt bằng bãi thải Nam Suối Lại (Công ty Than Hòn Gai), Công ty Chế biến Than Quảng Ninh tổ chức lễ khởi động khai thác, thu hồi đất đá thải mỏ phục vụ san lấp các công trình dân dụng và công nghiệp. Đây là dự án khai thác, thu hồi đất đá thải mỏ phục vụ san lấp các công trình dân dụng và công nghiệp đầu tiên của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép.

Các đại biểu bấm nút khởi động khai thác, thu hồi đất đá thải mỏ phục vụ san lấp các công trình dân dụng và công nghiệp.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh nhu cầu sử dụng vật liệu san lấp mặt bằng phục vụ các công trình, dự án trọng điểm rất lớn. Trung bình mỗi năm, tỉnh Quảng Ninh cần khoảng 130 triệu m³ đất đá làm vật liệu phục vụ san lấp mặt bằng. Dự kiến đến năm 2030, nhu cầu vật liệu san lấp các dự án trên địa bàn tỉnh đăng ký khoảng 1 tỷ m³.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế và khai thác giá trị gia tăng sau khi khai thác mỏ, cuối tháng 9/2020, TKV đã giao cho Công ty Chế biến Than Quảng Ninh lập quy hoạch các khu vực bãi thải đất đá từ quá trình khai thác và chế biến than có thể sử dụng làm vật liệu san lấp mặt bằng, vật liệu xây dựng theo hướng kinh tế tuần hoàn. Từ cuối năm 2020 đến nay, tỉnh Quảng Ninh cùng với TKV và Công ty Chế biến Than Quảng Ninh đã tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn tất các thủ tục đảm bảo đủ điều kiện pháp lý để được khai thác, thu hồi đất đá thải mỏ phục vụ san lấp các công trình dân dụng và công nghiệp.

Sau lễ khởi động, dự kiến Công ty Chế biến Than Quảng Ninh sẽ cung cấp đất đá thải phục vụ một số dự án, công trình trên địa bàn tỉnh như: Cầu Cửa Lục 3, Khu đô thị ngành Than và một số dự án của Tập đoàn Vingroup.

Công ty Chế biến Than Quảng Ninh sẽ khai thác đất đá thải mỏ tại khu vực bãi thải mỏ Suối Lại phục vụ san lấp mặt bằng cho một số dự án.

Việc sử dụng đất đá thải mỏ sẽ góp phần giảm độ cao, diện tích chiếm dụng đất của các bãi thải. Đồng thời giảm khai thác, sử dụng các đồi đất tự nhiên, hạn chế tối đa tác động tiêu cực tới cảnh quan, môi trường xung quanh. Đây là hướng đi phù hợp với mô hình chuyển đổi kinh tế từ "nâu" sang "xanh" của tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời giúp TKV giải quyết khó khăn về diện đổ thải, giảm bớt chi phí bảo vệ môi trường, phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn.

Nguồn: Báo Quảng Ninh điện tử


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết