A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kích cầu sản phẩm OCOP qua Phiên chợ hàng Việt

Các phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn” và các sự kiện tương tự ở quy mô vừa và nhỏ đã và sẽ được tổ chức thu hút khá nhiều người tiêu dùng, giúp các doanh nghiệp khôi phục chuỗi tiêu thụ. Đây là hoạt động thiết thực hưởng ứng chương trình "Người Quảng Ninh ưu tiên dùng sản phẩm, dịch vụ sản xuất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh", vừa tiếp sức đắc lực các doanh nghiệp OCOP.

Theo đánh giá, dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ tới “sức khỏe” mà còn làm đứt gẫy chuỗi tiêu thụ của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP. Trong đó, phần nhiều là các doanh nghiệp OCOP vừa và nhỏ, “sức đề kháng kém”. Nhiều doanh nghiệp điêu đứng, sản xuất cầm chừng.

fa

Các hoạt động quy mô hợp lý trong Chương trình Người Quảng Ninh ưu tiên tiêu dùng sản phẩm dịch vụ được sản xuất trên địa bàn tỉnh "tiếp sức" hiệu quả cho các doanh nghiệp OCOP.

“Trong bối cảnh đó, hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) nội tỉnh trở thành “cứu cánh”, thêm kênh tiêu thụ cho nhiều doanh nghiệp OCOP. Với uy tín, cách tổ chức, những năm qua, phiên chợ này thực sự giúp người dân vùng nông thôn có cơ hội tiếp cận hàng hóa đảm bảo chất lượng, xuất xứ và giá cả hợp lý. Điều này tạo sự khác biệt trước bối cảnh lộn xộn, kém chất lượng của nhiều phiên chợ về vùng nông thôn”, ông Nguyễn Kiên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công thương (Sở Công thương) chia sẻ.

Theo đó, gần nhất là Phiên chợ hàng Việt với sự tham gia của 10-15 doanh nghiệp OCOP với hàng trăm sản phẩm tại Ba Chẽ (từ 22-25/7), rồi ở Đầm Hà (từ 29/7-1/8). Quy mô các hoạt động này khoảng 30 gian hàng. Trên thực tế, các phiên chợ đã cung cấp lượng hàng hóa phong phú như may mặc, các nông sản thực phẩm, thủ công mỹ nghệ…trong đó nổi bật là các sản phẩm OCOP chiếm 2/3.

Để chuẩn bị tốt cho phiên chợ, Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công thương đã chủ động tìm hiểu, nghiên cứu kỹ tập quán sinh hoạt, mua sắm, nhu cầu thiết yếu về hàng hóa và thu nhập của nhân dân địa phương. Từ đó, tiến hành mời gọi các cơ sở, doanh nghiệp có uy tín, có năng lực để XTTM, chuẩn bị hàng hóa phù hợp.

Theo đó, Trung tâm đã tiến hành chiêu thương các doanh nghiệp OCOP. Các sản phẩm được ưu tiên là thuốc, thực phẩm chức năng đặc biệt là hàng tiêu dùng, thực phẩm như: Sữa tươi, chè, hàu và nông sản…ở Tiên Yên, Vân Đồn, Móng Cái, Đông Triều. Số lượng, chất lượng đặc biệt giá cả sản phẩm được yêu cầu đảm bảo, phù hợp với địa phương.

Dù chỉ diễn ra trong thời gian 2-3 ngày nhưng các phiên chợ này đã đem lại nguồn thu đáng kể và kết quả tích cực cho các đơn vị tham gia, đặc biệt các doanh nghiệp OCOP. Đây cũng là dịp để quảng bá sản phẩm ocop về vùng sâu, vùng xa, giúp bà con địa phương hiểu hơn về chương trình OCOP và khuyến khích người dân, địa phương đăng ký, phát triển các sản phẩm tham gia vào chương trình.

Thông qua phiên chợ, không chỉ người dân địa phương vui mừng khi mua được các mặt hàng giá rẻ, chất lượng cao mà các doanh nghiệp, nhất là các cơ sở sản xuất địa phương cũng nắm được cơ hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Với cách triển khai, các sản phẩm OCOP luôn được người tiêu dùng vùng sâu, xa, vốn chưa có nhiều cơ hội tiếp cận, luôn quan tâm tiêu thụ.

Thống kê sơ bộ, các Phiên chợ hàng năm duy trì doanh thu trung bình khoảng 700 triệu đồng/phiên trong chỉ 2-3 ngày. Với bối cảnh hiện tại, đây vừa là nguồn “tiếp sức” vừa giúp doanh nghiệp OCOP duy trì được sản xuất, thị trường tiêu thụ ổn định tại các địa phương.

Không chỉ kích thích tiêu dùng, phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn” còn là cầu nối, tạo điều kiện cho các cơ sở, doanh nghiệp có cơ hội khảo sát, mở rộng thị trường vốn ít được chú ý này. Thực tế, qua phiên chợ, nhiều doanh nghiệp đã định hướng, tìm kiếm thị trường, thành lập chi nhánh, mở rộng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm và hợp tác kinh doanh.

Ở các phiên chợ năm 2020, chuyện doanh nghiệp chè Hằng Nga (TP Hạ Long) sau phiên chợ đã bán được cả tấn sản phẩm, mở thêm mạng lưới tiêu thụ, thêm nhiều đại lý, cơ sở kinh doanh ở vùng cao, hải đảo như: Tiên Yên, Ba Chẽ, Bình Liêu, Cô Tô. Hoặc Công ty CP sữa Đông Triều cũng tiêu thụ trên 10 tấn sữa tươi bán lẻ và cho các đại lý ở các phiên chợ tại địa phương...

fa

Các hoạt động XTTM từ đầu năm tới nay giúp các sản phẩm OCOP được tiêu thụ, duy trì sức sản xuất và kết nối chuỗi tiêu thụ cho các doanh nghiệp trong tỉnh.

Đó là những ví dụ sinh động và hiệu quả đưa lại đối với các doanh nghiệp khi tham gia và chú trọng phát triển thị trường, vốn ít có cơ hội tiếp cận, mở rộng. Còn quá sớm để khẳng định điều này ở phiên chợ năm nay. Tuy nhiên với nhiều doanh nghiệp, việc xác định mở rộng kinh doanh, tìm kiếm đối tác ở các thị trường mới này đã trở thành mục đích của các phiên chợ dạng này.

Không chỉ vậy, trong bối cảnh hiện tại, chương trình người Quảng Ninh ưu tiên dùng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất trên địa bàn Quảng Ninh được triển khai thực tế nhất. Ngoài phiên chợ hàng Việt, dự kiến sẽ có nhiều hoạt động tiêu dùng, phiên chợ OCOP sẽ được tổ chức. Quy mô và cách triển khai sẽ linh hoạt tùy vào diễn biến dịch bệnh.

Có thể dễ thấy, các phiên chợ quy mô vừa, nhỏ vừa cung cấp hàng hóa, đảm bảo an sinh vừa "tiếp sức" kịp thời cho các doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện tại. Song, để tăng hiệu quả hơn nữa chương trình này, mỗi cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tham gia phiên chợ cũng cần có sự đầu tư về sản phẩm, tích cực nghiên cứu, chú trọng thị trường mới thay vì chỉ bán hàng. 

Theo Báo Quảng Ninh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết