A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đồng hành, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, nhà đầu tư

Thời gian qua, tỉnh đã nghiên cứu, xây dựng, triển khai nhiều cơ chế, chính sách thông thoáng, hiệu quả liên quan đến hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư. Điều này đã được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đánh giá rất cao. Thành quả là Quảng Ninh ngày càng thu hút được những dự án quy mô lớn, những nhà đầu tư có năng lực; cộng đồng doanh nghiệp tỉnh ngày càng khẳng định được vị thế, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế.

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kiểm tra tại khu vực bãi thải của Công ty Cổ phẩn Than Núi Béo.
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, kiểm tra tại khu vực bãi thải của Công ty CP Than Núi Béo - Vinacomin, tháng 3/2021.

Làm đúng, làm nhanh, làm tốt

Ngày 31/3, tỉnh Quảng Ninh tổ chức Lễ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam, tổng mức đầu tư 500 triệu USD, cho Công ty Jinko Solar Hong Kong, nhà đầu tư thứ cấp đầu tiên đầu tư vào KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên). Đây là một trong những nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời lớn và tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay. Năm 2019, doanh nghiệp này xếp vị trí thứ nhất và nắm giữ 12,6% thị trường toàn cầu trong lĩnh vực này.

Đồng chí Nguyễn Tường Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao Giấy CNĐKĐT cho đại diện Công ty Jinko Solar Hong Kong
Đồng chí Nguyễn Tường Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, trao Giấy CNĐKĐT cho đại diện Công ty Jinko Solar Hong Kong. Ảnh: Đỗ Phương

Để tiếp tục mở rộng diện sản xuất trong bối cảnh các nước đều bị dịch Covid-19 bùng phát, năm 2020, đoàn khảo sát của Công ty Jinko Solar Hong Kong đã đến Việt Nam 2 lần để khảo sát tại hơn 20 tỉnh thành, hơn 30 KCN ở Việt Nam, trong đó có KCN Sông Khoai. Chỉ 1 tuần sau khi thực hiện khảo sát, Công ty đã chính thức thông báo chọn KCN Sông Khoai để đầu tư dự án trị giá 500 triệu USD.

Một trong những ấn tượng đối với nhà đầu tư Jinko Solar Hong Kong là Dự án Công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam có thời gian cấp phép đầu tư nhanh, quá trình cấp giấy chứng nhận đầu tư diễn ra trong vòng 6 ngày (sớm hơn 12 ngày so với quy định) và được tỉnh cho ý kiến chấp thuận trong vòng 24h sau khi nhận đủ hồ sơ. Tại buổi lễ trao Giấy chứng nhận đầu tư, đại diện nhà đầu tư đã đánh giá rất cao hiệu suất làm việc và mức độ chuyên nghiệp của tỉnh Quảng Ninh. Theo cam kết của chủ đầu tư, trong tháng 4/2021 dự án sẽ chính thức được khởi công xây dựng, tháng 10/2021 đi vào sản xuất. Sau khi đi vào hoạt động, doanh thu bình quân của dự án sẽ đạt gần 1,3 tỷ USD/năm; thuế thu nhập doanh nghiệp đóng góp cho ngân sách nhà nước sau thời gian ưu đãi về thuế khoảng 873 tỷ đồng/năm; tạo việc làm ổn định cho trên 2.200 lao động với mức thu nhập cao.

Nhiều người dân
Tàu vào làm hàng tại cảng Cái Lân (TP Hạ Long).

Trước đó, năm 2020, Quảng Ninh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong vòng chưa đầy 24h kể từ khi Ban Quản lý KKT tỉnh tiếp nhận hồ sơ đầu tư đầy đủ của Tập đoàn Thành Công. Chỉ sau đó 4 ngày, Tập đoàn này đã triển khai động thổ Dự án Nhà máy sản xuất ô tô tại KCN Việt Hưng với tổng vốn đầu tư trên 4.500 tỷ đồng và Dự án Trung tâm Dịch vụ và hạ tầng ô tô Thành Công Việt Hưng, tổng vốn đầu tư gần 800 tỷ đồng.“Làm đúng, làm nhanh, làm tốt” là một trong những cam kết mạnh mẽ của tỉnh trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện, giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, nhất là thủ tục về đầu tư, đất đai, quy hoạch, xây dựng, bảo vệ môi trường...

Giải thích rõ hơn về sức hút của Quảng Ninh, tại buổi toạ đàm “Làm tổ cho đại bàng nội” diễn ra vào đầu tháng 3/2021 tại TP Hạ Long, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đã chia sẻ: Các tập đoàn đến Quảng Ninh đều được người đứng đầu tỉnh mời gọi chân thành. Thậm chí có những cuộc gọi lúc nửa đêm để giới thiệu, mời gọi đầu tư. Chính sự thân tình, thủ tục nhanh chóng đã trở thành động lực quan trọng để những doanh nghiệp lớn hội tụ về đây. Sự thân tình đó, cộng với thể chế, môi trường tốt đã trở thành động lực, tạo niềm tin cho doanh nghiệp khi đến Quảng Ninh đầu tư.

FLC
Đánh golf tại Quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Hạ Long là một trong những sản phẩm du lịch đẳng cấp, thu hút đông du khách đến trải nghiệm.

Khẳng định về sức hấp dẫn trong môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch Thường trực Tập đoàn FLC, cho biết: Có 3 yếu tố quan trọng khi Tập đoàn FLC cân nhắc, quyết định đầu tư vào Quảng Ninh là địa phương có những quy hoạch chiến lược, có cơ sở hạ tầng đồng bộ hiện đại và thị trường lao động dồi dào. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những yếu tố cần, còn yếu tố kiên quyết chính là sự tương tác, đồng hành đến cùng của Quảng Ninh với doanh nghiệp. Vì vậy, không chỉ FLC mà ngày càng có nhiều nhà đầu tư lớn đang hội tụ về tỉnh.

Với những nỗ lực, bền bỉ sáng tạo của tỉnh, đến nay Quảng Ninh trở thành địa phương duy nhất trong nước huy động được tư nhân đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông trọng điểm, trong đó có lĩnh vực hàng không, cũng như hình thành phát triển các quần thể du lịch tiêu chuẩn quốc tế. Tính đến hết quý I/2021, toàn tỉnh hiện có 20.000 doanh nghiệp với nhiều dự án trọng điểm hàng nghìn tỷ đồng, con số này chắc chắn sẽ ngày càng tăng khi lãnh đạo tỉnh luôn cam kết tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà đầu tư phát huy tối đa tài năng, trí tuệ và năng lực sản xuất kinh doanh của mình.

Đại diện nhà đầu tư dự án Tổ hợp KCN và cảng biển Đầm Nhà Mạc (TX Quảng Yên) khảo sát thực tế địa hình sông Chanh.
Đại diện nhà đầu tư dự án Tổ hợp KCN và cảng biển Đầm Nhà Mạc (TX Quảng Yên) khảo sát thực tế địa hình sông Chanh.

Gia tăng sức mạnh cho doanh nghiệp

Không chỉ tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư mới, việc tiếp sức cho doanh nghiệp của tỉnh phát triển cũng là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh. Năm 2020 và những tháng đầu của năm 2021, dịch Covid-19 đã làm cho “sức khỏe” của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bị suy giảm. Đánh giá của tỉnh cho thấy, 95% số doanh nghiệp bị giảm khách hàng, giảm thị trường tiêu thụ, đây cũng là tác động có ảnh hưởng tới nhiều doanh nghiệp nhất trong năm 2020, trong đó có tới 70% số doanh nghiệp ghi nhận phải chịu tác động nặng nề.

Bên cạnh đó, khoảng 55-60% các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều do bị gián đoạn nguồn cung ứng và gặp khó khăn về vốn lưu động. Đầm Hà, Cô Tô, Móng Cái, Vân Đồn, Hạ Long, Uông Bí… là những địa phương mà doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh nặng nề nhất. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế đều nhận định, con số này có thể sẽ cao hơn rất nhiều nếu như trong năm 2020 Quảng Ninh không kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ đầu vào, đầu ra trong sản xuất, điển hình như chính sách kích cầu du lịch, chính sách tiêu thụ sản phẩm nông sản, gia hạn, giãn nợ cho doanh nghiệp.

Du khách làm thủ tục check-in tại Khu Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Yoko Onsen Quang Hanh
Du khách làm thủ tục check-in tại Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Yoko Onsen Quang Hanh (TP Cẩm Phả).

Ngay trong tháng 2/2020, khi dịch Covid-19 mới ảnh hưởng tới Việt Nam, nhiều địa phương trong nước vẫn chưa lường hết những tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế, Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có buổi làm việc với hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội du lịch tỉnh, hiệp hội du lịch để tháo gỡ, khó khăn vướng mắc. Trên cơ sở đó, tỉnh đã chủ động chỉ đạo cơ cấu lại thị trường khách du lịch, thúc đẩy du lịch nội địa phù hợp với các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Cùng với đó, tỉnh chủ động làm việc với các nhà đầu tư chiến lược như: Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn Thành Công, Tập đoàn TH, TKV, Tổng Công ty Đông Bắc, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hiệp hội Du lịch tỉnh. Định kỳ hằng tháng, quý, các sở, ngành, địa phương tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là doanh nghiệp ngành Than, du lịch, xuất nhập khẩu...

Từ cuối tháng 3 đến tháng 9/2020, HĐND tỉnh đã ban hành 4 nghị quyết quan trọng (số 245, 256, 266, 286) để đảm bảo an sinh xã hội, ổn định tình hình kinh tế - xã hội, hỗ trợ kích cầu du lịch; ban hành cơ chế để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất nông sản, thúc đẩy tiêu thụ nội địa, đẩy mạnh xuất khẩu thủy, hải sản... Vì vậy, khu vực du lịch dịch vụ dù bị ảnh hưởng rất sâu, song hết năm 2020 vẫn đạt mức tăng trưởng 7,5%; nông lâm thủy sản có nhiều bứt phá khi tăng 3,8% so với năm trước.

Cùng với việc ban hành các cơ chế, chính sách, tỉnh đẩy mạnh công tác chỉ đạo, điều hành, cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tạo điều kiện giải quyết các TTHC, nhất là thủ tục về đất đai, đầu tư, xây dựng, thuế, hải quan, tín dụng... Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, sở, ngành, địa phương thường xuyên kiểm tra, làm việc với các doanh nghiệp trong các KCN Cái Lân, Cảng biển Hải Hà, Hải Yên, Đông Mai... Qua đó, nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, triển khai các dự án đầu tư.

Quảng Ninh cũng thực hiện tốt trọng trách quốc gia được Chính phủ giao phó là đón đội ngũ chuyên gia, nhân sự chất lượng cao của các doanh nghiệp nước ngoài qua sân bay quốc tế Vân Đồn trở lại làm việc trong các nhà máy, công xưởng, phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhằm phục hồi kinh tế. Những giải pháp mạnh mẽ này đã giúp cho tỉnh có trên 2.000 doanh nghiệp thành lập mới và 600 doanh nghiệp hoạt động trở lại trong năm 2020, nâng tổng số gần 20.000 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến hết năm 2020, với tổng vốn đăng ký  đầu tư 180.000 tỷ đồng.

Tàu vào sửa chữa tại
Tàu vào sửa chữa tại Công ty CP Nosco Shipyard (TX Quảng Yên).

Bà Trần Thị Hồng Nhung, Phó Tổng giám đốc phụ trách Công ty CP Nosco Shipyard (TX Quảng Yên), cho biết: Thời điểm Công ty mới thành lập, do gánh nặng về lãi vay ngân hàng, cùng với sự cạnh tranh gay gắt và bất cập về hạ tầng cơ sở, đã dẫn đến tình trạng sản xuất, kinh doanh đình trệ, đời sống, việc làm, chế độ chính sách đối với người lao động bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, với sự nỗ lực quyết tâm không ngừng của doanh nghiệp và sự hỗ trợ, tạo mọi điều kiện của tỉnh, của TX Quảng Yên trong việc hoàn thiện các TTHC, đón chuyên gia nước ngoài, từ năm 2020 đến nay, Công ty đã có mức tăng trưởng vượt bậc. Đến hết quý I/2021, Công ty đạt doanh thu 60 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2020.

Đặt mục tiêu năm 2021 toàn tỉnh có 2.000 doanh nghiệp thành lập mới và nâng cao chất lượng đồng hành cùng doanh nghiệp trong giai đoạn mới, tỉnh đang giao các sở, ngành nghiên cứu xây dựng một loạt các chính sách dài hơi, như: Đề án phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực, xây dựng thương hiệu của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; Kế hoạch phát triển các cơ sở chế biến nông lâm thủy sản…

Theo Báo Quảng Ninh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết