A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cà phê doanh nhân: Thảo luận việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14

Sáng 15/5, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh phối hợp với Ngân hàng nhà nước và Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh tổ chức chương trình cà phê doanh nhân, thảo luận, trao đổi về việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Đồng chí Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội chủ trì. Cùng dự có các đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Trần Thị Kim Nhung, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh.

 

  

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận.

Với sự nỗ lực, quyết tâm cao của ngành Ngân hàng, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các địa phương, sau gần 5 năm thực hiện, Nghị quyết 42 của Quốc hội đã được tỉnh Quảng Ninh triển khai nghiêm túc, đúng mục tiêu, định hướng và đạt được kết nhiều quả quan trọng. Theo đó, nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đã được xử lý, kiểm soát. Tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 trên địa bàn tỉnh là 8.933 tỷ đồng. Đến nay, đã xử lý được hơn 5.317 tỷ đồng. Ý thức trả nợ của khách hàng được nâng cao. Tổng số nợ người vay tự trả đạt 2.124 tỷ đồng, chiếm gần 40% số nợ xấu đã xử lý. Kết quả xử lý nợ xấu đạt tỷ lệ cao hơn so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình tại thời điểm trước khi Nghị quyết 42 của Quốc hội có hiệu lực thi hành.

Tham gia thảo luận, đa số ý kiến đại biểu đồng thuận cao với sự cần thiết phải kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 nhằm đẩy nhanh hơn nữa việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đảm bảo khơi thông nguồn vốn, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong điều kiện tác động chưa thể lường hết của đại dịch Covid-19; đồng thời, đề nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh một số quy định về thu giữ tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan công an, thi hành án, chính quyền địa phương với tổ chức tín dụng trong việc thu hồi tài sản đảm bảo; mở rộng phạm vi xử lý cho các khoản nợ phát sinh sau ngày 14/8/2017 đến nay, đặc biệt là các khoản nợ phát sinh do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19 và cần thiết phải luật hóa việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên cơ sở kế thừa, bổ sung; và hoàn thiện các quy định của Nghị quyết 42 nhằm tạo hành lang pháp lý ổn định, bền vững cho việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Đồng chí Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội phát biểu kết luận

Đồng chí Đỗ Thị Lan ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến tham gia, đóng góp của các đại biểu tham dự; đồng thời khẳng định, việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 của Quốc hội là cần thiết, nhằm tạo cơ sở pháp lý ổn định, liên tục, góp phần giải quyết triệt để các vấn đề về nợ xấu của tổ chức tín dụng. Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ nghiêm túc tiếp thu toàn bộ các ý kiến tham gia thảo luận để nghiên cứu, tổng hợp, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 tới.

Theo Báo Quảng Ninh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết