A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

09 thông tin cần biết về ngày bầu cử ĐBQH, HĐND

Ngày 23/5/2021 cả nước sẽ tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Sau đây là những điều mà mọi công dân cần biết về bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND sắp tới.

1Những mốc thời gian bầu cử quan trọng về bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND nhiệm kỳ 2021-2026:

Ngày 23/5/2021: Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

- Chậm nhất là ngày 02/6/2021: Công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, huyện, xã.

- Chậm nhất là ngày 12/6/2021: Công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội.

2. Có bắt buộc phải tham gia bỏ phiếu bầu đại biểu QH, HĐND?

Theo quy định tại Điều 27 Hiến pháp năm 2013:

"Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định."

Như vậy, việc bỏ phiếu bầu cử là quyền chứ không phải nghĩa vụ. Nên công dân có thể tham gia hoặc không.

3. Có được nhờ người khác đi bầu cử thay không?

Theo Điều 69 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 nêu rõ nguyên tắc bỏ phiếu như sau:

Công dân phải tự mình, đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay, trừ trường hợp quy định, khi bầu cử phải xuất trình thẻ cử tri.

Như vậy, công dân không thể nhờ người khác bỏ phiếu hộ. Việc bầu cử hộ là vi phạm pháp luật mà còn làm sai lệch kết quả bầu cử.

Bên cạnh đó, nếu cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri. Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.

Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị. Đối với cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành án khác bắt buộc không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng hoặc cử tri là người đang bị tạm giữ tại nhà tạm giữ thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến trại tạm giam, nhà tạm giữ…

4. Bỏ phiếu bầu cử ở đâu? Thời gian thế nào?

Tùy theo điều kiện cơ sở vật chất ở địa phương, địa điểm bỏ phiếu là: nhà văn hóa, hội trường, trường học,... và căn cứ mật độ phân bổ dân cư ở khu vực bỏ phiếu.

Việc bỏ phiếu bắt đầu từ 7h - 19h tối cùng ngày. Việc bỏ phiếu có thể sớm hơn nhưng không được trước 5h hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá 9h tối cùng ngày.

5. Hướng dẫn vận động bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND trong bối cảnh Covid-19

Ngày 04/5/2021, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ban hành Hướng dẫn 61/HD-MTTW-BTT về tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 với một số nội dung cụ thể như sau:

(Xem chi tiết tại đây)

6. Hướng dẫn bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND trong bối cảnh Covid-19

Những người đã có thẻ cử tri nhưng đi đến một nơi khác và vì dịch bệnh không thể về bỏ phiếu, thì chậm nhất 24 giờ trước thời điểm bầu cử, có thể đến UBND cấp xã (nơi có thể bỏ phiếu) đề nghị bổ sung vào danh sách cử tri.

(Xem chi tiết tại đây)

7. Cách gạch phiếu bầu đúng luật khi đi bầu cử

Theo đó, khi tiến hành bỏ phiếu bầu, cần lưu ý một số nội dung sau đây:

- Nếu cử tri không tín nhiệm người ứng cử nào thì gạch ngang cả họ và tên người ứng cử đó (gạch đè lên hàng chữa họ và tên người ứng cử); không khoanh tròn; không được đánh dấu trên phiếu bầu; không được viết thêm, không được ghi tên người ngoài danh sách ứng cử vào phiếu bầu; không để nguyên phiếu bầu đối với phiếu bầu có số dư người ứng cử (không gạch tên người ứng cử nào) hoặc gạch tất cả người ứng cử trong phiếu bầu.

- Khi cử tri gạch phiếu bầu, không ai được xem, kể cả các thành viên Tổ bầu cử. Nếu cử tri gạch nhầm hoặc bị hư hỏng, cử tri có quyền đổi phiếu bầu khác.

- Cử tri không thể tự gạch phiếu bầu thì nhờ người khác gạch phiếu hộ nhưng phải tự mình bỏ phiếu. Người gạch phiếu phải đọc đầy đủ họ và tên những người ứng cử trên phiếu bầu để cử tri tự mình quyết định.

- Người gạch hộ phiếu bầu phải ghi trung thực ý muốn của cử tri nhờ viết hộ và bảo đảm bí mật phiếu bầu. Khi viết hộ phiếu bầu xong phải giao lại phiếu bầu cho cử tri để cử tri tự mình bỏ phiếu vào hòm phiếu.

8. Nguyên tắc xác định người trúng cử

Theo đó, người trúng cử được xác định dựa trên những nguyên tắc sau:

- Kết quả bầu cử được tính, trên số phiếu bầu hợp lệ và chỉ được công nhận khi đã có quá một nửa tổng số cử tri trong danh sách cử tri tại đơn vị bầu cử tham gia bầu cử, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 80 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015.

- Người trúng cử phải là người ứng cử đạt số phiếu bầu quá một nửa tổng số phiếu bầu hợp lệ.

- Trường hợp số người ứng cử đạt số phiếu bầu quá một nửa tổng số phiếu bầu hợp lệ nhiều hơn số lượng đại biểu mà đơn vị bầu cử được bầu thì những người trúng cử là những người có số phiếu bầu cao hơn.

9. Cách kiểm phiếu bầu cho từng người ứng cử

Theo đó, việc kiểm đếm số phiếu bầu cho từng người ứng cử được hướng dẫn như sau:

- Việc kiểm phiếu bầu ứng cử chỉ thực hiện đối với phiếu hợp lệ.

- Phiếu bầu hợp lệ được xếp thành các loại, gồm: Loại phiếu bầu 1 đại biểu; loại phiếu bầu 2 đại biểu; loại phiếu bầu 3 đại biểu,...

- Tổ bầu cử kiểm phiếu theo từng loại phiếu bầu để làm căn cứ xác định số phiếu bầu cho từng người ứng cử.

- Tổ bầu cử phân công ít nhất ba người kiểm phiếu, gồm: người đọc, người ghi, người kiểm tra việc đọc và ghi.

- Cách ghi số phiếu theo cách vẽ hình vuông và một đường chéo, cứ năm phiếu tạo thành một hình vuông có một đường chéo.

- Trường hợp cuối danh sách trúng cử có nhiều người được số phiếu bầu bằng nhau và nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử thì người nhiều tuổi hơn là người trúng cử.

Theo thuvienphapluat.vn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết